An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ chương trình giúp đỡ người nghèo theo địa chỉ tại Lạng Sơn
08:31 AM 08/08/2017
(LĐXH)- Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Chương trình phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo giai đoạn 2014-2020.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía đông bắc Tổ quốc, toàn tỉnh có 226 xã phường, thị trấn, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 84%, sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu địa hình phức tạp, giao thông đi lại xa trung tâm huyện tỉnh, đời sống các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, kết quả giảm nghèo đều đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ các cấp đề ra. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao ở những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Một hộ dân ở huyện Văn Lãng được hỗ trợ nuôi ong mật 


Nguyên nhân do các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai chưa đồng bộ; chính sách, chương trình giảm nghèo chủ yếu là ngắn hạn và còn chồng chéo; nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu và còn phân tán; thiếu các giải pháp cụ thể, gắn kết thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới chưa đồng bộ; đặc biệt việc phối hợp tổ chức chỉ đạo thực hiện giữa các ngành, các cấp, các Ban chỉ đạo chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số huyện, xã chưa quyết liệt; tính chủ động và sự tham gia của người dân thấp, thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật; một bộ phận người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà  nước.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 toàn tỉnh đã giảm 3,02% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2012. Cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo từ 21,02% năm 2012 giảm còn 18% năm 2013; tổng số hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách người có công còn 69 hộ, hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách BTXH còn 3417 hộ. Tổng số hộ cận nghèo là 20.522 hộ tương đương 11,12%.

Toàn tỉnh còn 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Bình Gia 49%, Văn Quan 37,32%, Đình Lập 40,88%. Toàn tỉnh còn 62 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên (trong đó xã có tỷ lệ 70% trở lên là 10 xã, xã có tỷ lệ từ 60%<70% là 12 xã, còn lại là 30 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50%<60%, 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo 40%<50%), có 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% đến dưới 40%, có 61 xã tỷ lệ  hộ nghèo từ 10% đến dưới 29% và có 82 xã tỷ lệ hộ nghèo dưới  10%.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh và đạt  mục tiêu Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 23/8/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xây dựng Chương trình phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo giai đoạn 2014-2020.

Mục đích của chương nhằm làm chuyển biến nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, giúp hộ nghèo lập kế hoạch phát triển kinh tế, tạo thu nhập và nâng cao khả năng tiếp thu, tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước trong công tác giảm nghèo.

Những bản làng ở xứ Lạng đã có nhiều khởi sắc từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung của chương trình: Giai đoạn 2014-2015: Thực hiện thí điểm Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo có hoàn  cảnh đặc biệt khó khăn theo địa chỉ trên địa bàn huyện  Bình Gia, Đình Lập. Mỗi cơ quan, phòng, ban, đoàn thể, các đơn vị, trường học đóng trên địa bàn huyện mỗi năm nhận giúp đỡ 1-2 hộ gia đình thoát nghèo. Phấn đấu năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo huyện Bình Gia, Đình  Lập giảm từ  5%  trở lên.

Giai đoạn 2015-2020: Thực hiện nhân rộng mô hình thí điểm trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ từ 3.000 hộ nghèo trở lên. Đảm bảo 70% số hộ nghèo được nhận sự trợ giúp thoát nghèo bền  vững.

Đối tượng thực hiện gồm tất cả các cơ quan, các đơn vị, các cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó nòng cốt là UBND các huyện, thành phố và các đoàn thể chính trị xã  hội như Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các tổ chức khác.

Đối tượng nhận giúp đỡ, hỗ  trợ là những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tập trung  vào nhóm hộ  gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ưu tiên  nhóm hộ nghèo thuộc  đối tượng chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội.

Nội dung trợ giúp gồm: Nhu cầu của gia đình cần được giúp đỡ để bảo đảm thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây, con, giống vốn. Vật tư, vật liệu để xây dựng chuồng trại chăn nuôi; phương tiện, dụng cụ phục vụ đời sống, sinh hoạt. Hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn và tư vấn giới  thiệu việc làm. Hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với những hộ nghèo không có khả năng tự   cải tạo được về nhà ở. Hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội công về giảm nghèo như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, trợ giúp pháp  lý...

Theo lộ trình, giai đoạn 1 (2014-2015): Thực hiện thí điểm Chương trình Vận động giúp đỡ hộ nghèo có  hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo  địa chỉ trên địa bàn huyện Bình Gia, Đình Lập. Vận động mỗi cơ quan, phòng, ban, đơn vị, trường học, mỗi tổ chức đoàn thể nhận giúp đỡ, hỗ trợ 1-2 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các xã, thị trấn có khả năng thoát nghèo trong năm để thực hiện.

Giai đoạn 2 (2015-2020): Triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, vận động các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, trường học, các tổ chức chính trị, đoàn thể mỗi năm phải nhận giúp đỡ ít nhất 1-2  hộ thoát nghèo. Năm 2020, tổng kết chương trình hỗ trợ.

Qua những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn tỉnh, có thể nói nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chương trình giảm nghèo từng bước được nâng cao; cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn./.

Dương Thìn

TAG:
Tin khác
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ