Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hiệu quả tổ chức các phiên giao dịch việc làm tỉnh Bạc Liêu năm 2024
12:16 PM 29/11/2024
(LĐXH) - Năm 2024, thị trường lao động Bạc Liêu đã chứng kiến những chuyển biến đáng chú ý nhờ vào các phiên giao dịch việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức. Đây không chỉ là cơ hội để người tìm việc gặp gỡ và tiếp cận các nhà tuyển dụng mà còn là bước đi quan trọng tạo việc làm bền vững.
Nâng cao chất lượng và số lượng các phiên giao dịch việc làm
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2024, thị trường lao động trong tỉnh đã cơ bản ổn định và có tín hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và tìm được đơn hàng mới. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, chế biến, may mặc… tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến vấn đề lương, thưởng và các chính sách đãi ngộ để thu hút lao động vào làm việc. Đặc biệt, ở một số công ty, lao động có thể nộp hồ sơ qua thư điện tử, sau khi kiểm tra, đại diện doanh nghiệp sẽ liên lạc phỏng vấn trực tuyến và chỉ gặp trực tiếp khi có quyết định tuyển dụng.
Để đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã củng cố mạng lưới tư vấn, giới thiệu việc làm tại các địa phương; tích cực liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt, Trung tâm đã đẩy mạnh các phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm bởi đây là một trong những giải pháp thiết thực giúp kết nối người lao động và các doanh nghiệp, đồng thời giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực ở nhiều ngành nghề tại Bạc Liêu. Các sự kiện này đã trở thành cầu nối quan trọng giúp người tìm việc dễ dàng tiếp cận các cơ hội việc làm, từ đó giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Trong năm 2024, Bạc Liêu đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh và tại các địa phương trong tỉnh. Theo đó, ngày 06/4/2024, Trung tâm đã tổ chức 1 Phiên Giao dịch và tư vấn giới thiệu việc làm cấp tỉnh thu hút 500 lượt người tham gia, phát 500 tờ rơi thông tin thị trường lao động, có 45 lượt doanh nghiệp tham gia gồm 8 công ty doanh nghiệp tham gia trực tiếp (có 7 công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cùng 37 lượt doanh nghiệp ủy thác tuyển dụng (32 lượt doanh nghiệp trong tỉnh). Ngày 23/11/2024 vừa qua, Trung tâm phối hợp với Tỉnh đoàn và Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tiếp tục tổ chức Phiên giao dịch việc làm năm 2024, thu hút 700 lượt người tham gia, phát 700 tờ rơi thông tin thị trường lao động, có 71 lượt doanh nghiệp tham gia gồm 13 công ty tham gia trực tiếp (có 12 công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), 58 lượt doanh nghiệp ủy thác tuyển dụng (48 lượt doanh nghiệp trong tỉnh).
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương như thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi, huyện Đông Hải, thành phố Bạc Liêu và huyện Hồng Dân. Các phiên giao dịch việc làm lưu động đã thu hút tổng số có 1.400 lượt người tham gia, phát hơn 1400 tờ rơi thông tin thị trường lao động, có 15 doanh nghiệp trong tỉnh và 44 Công ty xuất khẩu lao động tham gia tuyển dụng trực tiếp và 577 lượt doanh nghiệp ủy thác tuyển dụng (507 lượt doanh nghiệp trong tỉnh, 70 doanh nghiệp ngoài tỉnh).

Đông đảo người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm ngày 23/11/2024

Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm với tổng số 1.140 lượt người tham gia, phát hơn 1.140 tờ rơi thông tin thị trường lao động, có 837 lượt doanh nghiệp tham gia gồm 18 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trực tiếp và 819 doanh nghiệp ủy thác tuyển dụng. Đồng thời tham gia 4 Phiên giao dịch việc làm trực tuyến Quý I, Quý II, Quý III, Quý IV/2024 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lân cận do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ khai mạc, có 98 đơn vị tham gia ủy thác tuyển dụng, tuyển 3.383 lao động, có 166 lao động tham dự phiên trực tuyến, phát 166 tờ rơi thông tin tuyên truyền, có 12 lao động đăng ký tìm việc; tham gia Phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với khoảng 35 người tham dự, phát 35 tờ rơi, có 24 đơn vị ủy thác tuyển dụng có nhu cầu tuyển 1.349 lao động.
Theo số liệu thống kê, các phiên giao dịch việc làm tại Bạc Liêu đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ thu hút sự tham gia của hàng nghìn người lao động mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ trong các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, chế biến, may mặc và dịch vụ. Mỗi phiên giao dịch đều được chuẩn bị chu đáo với sự tham gia của các cơ quan chức năng, tạo cơ hội cho người lao động không chỉ tìm kiếm việc làm mà còn được tư vấn về các kỹ năng nghề nghiệp, cũng như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Sự kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên đã giúp giảm thiểu tình trạng “thừa người, thiếu việc” tại một số địa phương trong tỉnh. Nhiều lao động tham gia các phiên giao dịch đã tìm được việc làm phù hợp với năng lực và yêu cầu công việc, nhất là lao động trẻ và sinh viên mới ra trường đã được tuyển dụng vào các vị trí công việc ổn định.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Vĩnh Lợi
Ngoài việc giúp người lao động tìm việc làm, các phiên giao dịch còn giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng và kiến thức phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt lao động có tay nghề cao.
Một số thách thức và hạn chế cần khắc phục
Các phiên giao dịch việc làm ở Bạc Liêu năm 2024 đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc kết nối người lao động và nhà tuyển dụng, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được khắc phục. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc thiếu thông tin về các cơ hội việc làm tại một số địa phương. Không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận với các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Thêm vào đó, một số phiên giao dịch còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan đào tạo nghề và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng người lao động chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm, trong thời gian tới Bạc Liêu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sự kiện này một cách rộng rãi hơn, không chỉ qua các kênh truyền thông địa phương mà còn qua các phương tiện truyền thông trực tuyến để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Đồng thời, cần thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, đa ngành nghề tham gia, tăng cường kết hợp công nghệ số để kết nối dữ liệu giữa người tìm việc và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Đức Huy
TAG:
Tin khác
Huyện An Dương (Hải Phòng) triển khai hiệu quả Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm
Hà Tĩnh tích cực thực hiện công tác giải quyết việc làm
Huyện Bác Ái: đi làm việc ở nước ngoài đang là hướng đi hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững
Trung tâm DVVL Cà Mau tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại huyện Thới Bình
Lạng Sơn: Đa dạng các giải pháp giải quyết việc làm
Ghi nhận trong công tác triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững ở Đồng Tháp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tích cực triển khai hỗ trợ việc làm bền vững
Đồng Tháp: Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững, giúp người dân từng bước thoát nghèo
Hỗ trợ kết nối tạo việc làm cho người lao động tại huyện Phú Bình