Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hiệu quả thiết thực từ Đế án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bến Tre
02:00 PM 16/06/2016
Điểm nổi bật trong thực hiện Đề án 1956 ở Bến Tre là khoảng 70 – 80% người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo; có nhiều nghề tỷ lệ tìm được việc làm khá cao như: nghề đan nát, bó chổi đạt 80%... Riêng các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức học tập vào điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập bảo đảm đời sống. Người lao động có việc làm, thu nhập ổn định và cuộc sống ngày càng khá hơn.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình dạy nghề tại các làng nghề, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ. Các mô hình được đánh giá là khá phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương và đang được nhân rộng như  mô hình: Nghề bó chổi cho làng nghề ở xã Mỹ An (huyện Thạnh Phú),  May công nghiệp ở các xã Thạnh Phong, An Quy, Mỹ An và Quới Điền (huyện Chợ Thạnh Phú), Kỹ thuật cấy giống- hoa kiểng tại xã Vĩnh Thành, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách), mô hình trồng cây ăn quả tại xã Sơn Định (Chợ Lách), nghề đan giỏ từ cây lác, cỏ lục bình của Hợp tác xã Ân Đạt, Đinh Trung (huyện Mỏ Cày Nam). Trong năm 2015, tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình như: Đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, đan giỏ từ cọng lục bình, người lao động tận dụng được thời gian nhàn rỗi để nhận nguyên liệu về gia công tại hộ gia đình góp phần tăng thêm thu nhập. Mô hình chăn nuôi heo, bò, gà, dê, tôm tại hộ gia đình bước đầu có hiệu quả về tăng sản lượng; mô hình này đang được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh. Hay như mô hình đào tạo nghề kỹ thuật nề bước đầu giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động. Nhìn chung, các mô hình đào tạo trên đang thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề để có việc làm mới, tạo thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015, giải quyết việc làm cho trên 90% lao động nông thôn tại địa phương và vùng nguyên liệu tại chỗ.

 

 

Giai đoạn 2010 – 2015, Bến Tre đã tổ chức dạy nghề cho 31.617 lao động nông thôn

 

Trong những địa phương làm tốt, huyện Châu Thành nổi bật với mô hình liên kết ký 3 bên giữa Công ty may Cây Dừa, người lao động và Trung tâm Dạy nghề; mô hình dạy nghề phi nông nghiệp may ví, giỏ xuất khẩu với Công ty TNHH TMSX Hưng Phát (TP. Hồ Chí Minh); may giỏ tự hoại của DNTN Ngọc Trí (Tiền Giang) và mô hình đan thảm vải tại Tiên Thủy.

Hay như Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Tri đã ký hợp đồng với doanh nghiệp Tỷ Hùng, với hình thức “đào tạo - chuyển giao” lao động cho công ty, doanh nghiệp để bố trí việc làm phù hợp với khả năng của người lao động. Mô hình đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, đan giỏ từ cọng lục bình, đan chổi cọng dừa tại các xã giải quyết việc làm cho 1.400 lao động. Ngoài ra, người dân còn tận dụng thời gian nhàn rỗi để nhận nguyên liệu về gia công. Đến nay, các mô hình này đã được nhân rộng, thu hút nhiều lao động tham gia. Riêng năm 2015, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề với 30 lớp, 781 học viên. Qua kết quả kiểm tra, giám sát, các lớp học nghề đều có chất lượng, cơ sở dạy nghề thực hiện đầy đủ các nội dung của chương trình. Hầu hết 615 học viên học nghề phi nông nghiệp đều có việc làm. Ý thức của người lao động nông thôn về việc học nghề ngày càng cao. Đối với Ba Tri, các nghề như kỹ thuật chăn nuôi bò, nuôi gà sinh học, may công nghiệp, thuyền trưởng tàu cá và kỹ thuật đan ghế nhựa trên khung sắt…  hiện giải quyết việc làm sau đào tạo rất tốt.

 Năm 2016, để thực hiện kế hoạch đào tạo cho 3.342 lao động nông thôn (nghề phi nông nghiệp 1.970 lao động, nghề nông nghiệp 1.260 lao động, nghề đào tạo cho đối tượng đặc thù là 112 lao động), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Đề án 1956 nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đồng thời, nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả; nâng cấp và hoàn chỉnh cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề và mời gọi các trường ngoài khu vực đảm bảo uy tín thương hiệu, chất lượng đào tạo về địa phương lập phân hiệu hoặc tổ chức liên kết với các trường trong tỉnh đào tạo những ngành nghề có chất lượng cao.

 

Vân Anh

TAG:
Tin khác
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings