Hiệu quả của các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Quảng Ninh
(LĐXH) - Những năm qua, với việc triển khai hiệu quả các mô hình BĐG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa bạo lực gia đình, đồng thời tăng cường hỗ trợ nạn nhân ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Góp phần từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Quảng Ninh hiện có tổng số trên 485.000 phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải chịu thiệt thòi so với nam giới do tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra 1.056 vụ bạo lực giới, trong đó có 885 nạn nhân là phụ nữ bị bạo hành gia đình. Các cơ quan chức năng đã giải cứu, tiếp nhận 215 nạn nhân bị buôn bán trở về là phụ nữ và trẻ em; xử lý hình sự 123 đối tượng, xử lý hành chính 23 đối tượng gây bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Riêng trong năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện 10 vụ (10 đối tượng) liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đã xử lý hình sự 05 vụ (05 đối tượng), xử lý hành chính 05 vụ (05 đối tượng); Phát hiện 26 vụ xâm hại trẻ em (30 trẻ em bị xâm hại).
Cán bộ Phòng LĐTBXH thành phố Uông Bí và nhân viên y tế phường tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực. Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: Quyết định số 4505/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 “Triển khai Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Ninh”, Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04/6/2018 thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”… Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ( LĐTBXH) - Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐG đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, đồng thời tham mưu triển khai các Mô hình về BĐG nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động về BĐG, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Hàng năm, Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, kinh phí các mô hình, hoạt động về BĐG gắn với các mục tiêu về BĐG trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn triển khai Mô hình BĐG nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam giới bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như cung cấp thông tin tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, nam giới; triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, nạn nhân bị xâm hại tình dục, buôn bán người, phòng chống nạn tảo hôn, ép kết hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và kết hôn với người nước ngoài với mục đích kinh tế; bổ sung kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về BĐG; thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào việc phòng chống bạo lực giới; tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức và người dân vào việc giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong gia đình, cộng đồng; ổn định đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại các xã, phường, thị trấn triển khai Mô hình.
Giai đoạn 2016 – 2020, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các địa phương, Sở LĐTBXH đã triển khai 25 Mô hình BĐG tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; thành lập 56 câu lạc bộ (CLB) Hôn nhân gia đình và BĐG, 76 Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Sở LĐTBXH đã triển khai 11 Mô hình thí điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; các Mô hình đã thành lập Ban chỉ đạo, thành lập 03 CLB/mô hình với 30 thành viên/CLB bộ, xây dựng kế hoạch hoạt động thí điểm 3 năm và tổ chức hội nghị triển khai, tổ chức sinh hoạt định kỳ quý 2. Trong đó, phải kể đến các mô hình như: Mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh; Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, ép kết hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số; Mô hình tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực giới...
Bên trong phòng tạm lánh của Ngôi nhà Ánh dương tại Quảng Ninh.Từ năm 2016 – 2020, Mô hình đã tư vấn qua tổng đài 1.056 trường hợp có liên quan đến BĐG; can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho 60 đối tượng và 16 trường hợp là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất, tình dục và tinh thần; chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà tạm lánh 46 trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới (trong đó có 05 trẻ em đi cùng mẹ); Kết nối, chuyển gửi 192 trường hợp; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động tài trợ 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực gia đình được đi học nghề miễn phí tại Hà Nội và Quảng Nam. Năm 2019, tỉnh triển khai xây dựng “Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái“ (Ngôi nhà Ánh Dương (NNAD) tỉnh Quảng Ninh) do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. Mô hình đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, đến hết năm 2020 NNAD đã tiếp nhận thông tin 137 cuộc liên quan đến BĐG và cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho 47 trường hợp; trong 7 tháng đầu năm 2021, NNAD tiếp nhận, tư vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho 12 nạn nhân, trong số đó có 09 nạn nhân tạm lánh (là người Quảng Ninh: 06 nạn nhân; Hải Phòng: 03 nạn nhân); kết nối, tạo việc làm cho 02 đối tượng là nạn nhân bị bạo lực giới sau thời gian tạm lánh.
Thông qua sinh hoạt Mô hình, nhận thức của các thành viên thay đổi rõ rệt, phụ nữ được cải thiện về nhiều mặt và được nâng cao vai trò, nam giới có sự ủng hộ và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Bên cạnh đó, việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn, các thành viên có nhiều cơ hội trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội.../.
Minh Cảnh