An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả của các mô hình giảm nghèo ở Thái Nguyên
02:03 PM 27/10/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của của nhà nước, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, giúp nhiều hộ nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gia đình chị Lương Thị Mười ở Xóm 8, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, được xem là gương điển hình trong nỗ lực thoát nghèo. Bố mất sớm, mẹ thì già yếu, gia cảnh lại khó khăn nên bao năm làm nụng vất vả đủ nghề, gia đình chị vẫn là hộ nghèo.
Mô hình chăn nuôi gà thịt dù mới được triển khai tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã đem lại hiệu quả bước đầu.
Năm 2004, khi tham gia và trở thành khuyến nông viên của xóm, bản thân được hướng dẫn nhiều kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, với chị cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn đã dần ẩn hiện. Có kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi nhưng chị lại bế tắc trên con đường thoát nghèo do không có vốn. Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được tìm ra khi năm 2005, gia đình chị lần đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn của các chương trình giảm nghèo của huyện. Là người tiên phong ở xóm trong việc trồng chè và đầu tư vào mô hình nuôi lợn nái hiệu quả, giờ đây gia đình chị đã vươn lên làm giàu từ đồng vốn của các chương trình này.
Có trách nhiệm với cộng đồng, chị Lương Thị Mười muốn thành lập một tổ chăn nuôi để chị em phụ nữ trong xóm giúp đỡ nhau làm ăn kinh tế. Chị Mười nói: Thành lập một tổ hợp tác xã chăn nuôi vừa và nhỏ, có tổ chức nên việc vay vốn dễ hơn. Đồng thời, các hội viên còn có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Là một trong những xã vùng cao còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 54,4% (năm 2005), để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Tràng Xá (Võ Nhai) phân chia địa bàn thành 3 vùng sản xuất chính là trồng rừng, cây ăn quả có múi, sản xuất chè. Đồng thời, vận động các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng. Toàn xã hiện có 300ha bưởi, trên 200ha chè và gần 400ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm, xã giảm được 7% hộ nghèo. Năm 2019, Tràng Xá chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Bà Chu Thị Lệ Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Việc triển khai và nhân rộng mô hình vùng sản xuất giúp hộ nghèo xác định được hướng đi hiệu quả. Các hộ tham gia mô hình còn được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ tiền, con giống, khoa học - kỹ thuật từ các chương trình của Nhà nước để tạo sinh kế bền vững. 
Khác với Tràng Xá, mô hình giảm nghèo được xã Sơn Phú (Định Hóa) triển khai thông qua các gia đình. Ông Âu Văn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Chúng tôi tập trung nguồn lực để thực hiện một số mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của địa phương như: trồng rừng, sản xuất và chế biến chè, chăn nuôi gia súc... Ban đầu, mô hình chỉ được triển khai ở một số gia đình được lựa chọn làm điểm, sau khi có hiệu quả kinh tế cao mới nhân rộng trên địa bàn. Từ các mô hình điểm được nhân rộng đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Sơn Phú. Đến nay, toàn xã chỉ còn 6,15% hộ nghèo (năm 2019), giảm 20,75% so với đầu năm 2018.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có trên 300 mô hình giảm nghèo cho hiệu quả cao
Qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Thái Nguyên, từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và phù hợp đã tạo điều kiện để chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách về giảm nghèo nói riêng sớm đi vào cuộc sống. Cùng với việc triển khai các mô hình điểm về giảm nghèo, nâng cao thu nhập là cách làm năng động, sáng tạo của các địa phương, dựa trên cơ sở nguồn lực hỗ trợ của Nhà Nước và đặc điểm của cơ sở. Thông qua mô hình điểm, đã gắn kết trách nhiệm của các gia đình với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân dần thay đổi nếp nghĩ, loại bỏ phương thức sản xuất cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ các mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 300 mô hình giảm nghèo. Hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế và được các địa phương nhân rộng. Nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 2%/ năm, từ 13,4% năm 2015 đến hết năm 2019 giảm còn 4,63%./.
Cảnh Hưng
TAG:
Tin khác
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng
Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo