Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Hiệu quả của các mô hình can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở Bắc Giang
10:51 AM 10/08/2024
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, giúp các gia đình có trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp, trị liệu.
Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, như: Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương; Trung Tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House; Khoa Tâm bệnh và Phục hồi chức năng (Bệnh viên Sản – Nhi tỉnh)… đã giúp phát hiện và can thiệp sớm đối với hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tự kỷ, tăng động, kém tập trung, chậm nói, chậm phát triển… giúp trẻ phát triển những khả năng tốt hơn và từng bước hòa nhập cộng đồng.
Tiền thân là Trung tâm can thiệp sớm Sunflower, bắt đầu hoạt động từ ngày 17/1/2014,  đến ngày 15/3/2017 chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho phép thành lập và lấy tên là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Hướng Dương. Sau hơn 10 xây dựng và phát triển, đến nay, Trung tâm đã có cơ sở ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, giúp phát hiện sớm, can thiệp, trị liệu cho những trẻ em mắc hội chứng rối nhiễu tâm trí như: Tự kỷ, chậm nói, nói ngọng, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ...
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương can thiệp, trị liệu cho trẻ
Bà Nguyễn Thị Thơ, Giám đốc trung tâm cho biết: Đơn vị đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khảo sát, đánh giá, trị liệu, can thiệp; đồng thời quan tâm đến chất lượng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện đơn vị có 80 cán bộ, giáo viên được đào tạo các chuyên ngành: Chuyên biệt giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội, giáo viên mầm non, tiểu học… thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trị liệu cho trẻ.  
Mỗi trẻ khi đến đây sẽ được đánh giá mức độ phát triển so với tuổi thực và khả năng của trẻ. Sau khi xác định được các lĩnh vực chậm phát triển của trẻ, cán bộ, giáo viên và chuyên gia xây dựng kế hoạch và mục tiêu can thiệp phù hợp với từng trường hợp. Hoạt động trị liệu được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học, các em được áp dụng các phương pháp mát xa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động… Định kỳ 3 tháng, trung tâm sẽ kiểm tra, đánh giá để có hướng can thiệp tiếp theo. Bên cạnh đó, cán bộ trị liệu của trung tâm còn tư vấn, hướng dẫn cho gia đình trẻ các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập. Hầu hết trẻ được can thiệp đều có những tiến triển nhất định và dần trở về với tuổi thực của mình. “70% trẻ sau thời gian can thiệp sẽ hoà nhập sớm (học mầm non) và đi học hoà nhập ở trường tiểu học. Đối với những trường hợp chuyển biến chậm hơn, không có khả năng đi học hoà nhập, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mục tiêu can thiệp phù hợp đồng thời tư vấn, định hướng gia đình có thể lựa chọn cho con học một nghề đơn giản, phù hợp với bản thân để phục vụ cho cuộc sống sau này...” – Bà Thơ cho biết.
Gần 10 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House cũng phát hiện, tư vấn, can thiệp, phục hồi chức năng cho hàng trăm trẻ và đã thực sự trở thành ngôi nhà hạnh phúc, nơi tràn ngập tình yêu thương, niềm vui, tiếng cười của trẻ thơ và mang đến cho gia đình niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng hơn.
Dạy nghề pha chế cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House
Bên cạnh hoạt động can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng, Trung tâm cũng chú trọng công tác đào tạo nghề cho trẻ. Bà Thân Thị Loan, Giám đốc Trung tâm cho cho biết: Sau thời gian can thiệp, hầu hết các con tiến triển tốt và đi học hòa nhập ở trường mầm non, tiểu học nhưng cũng có những trường hợp không có khả năng hòa nhập cộng đồng. Với những trường hợp như vậy, Trung tâm sẽ hỗ trợ hết sức để các con biết đọc, viết và được học nghề để sau này có một việc làm phù hợp, tự nuôi sống được bản thân hoặc phụ giúp phần nào cho gia đình. Chính vì thế, Trung tâm đã mở một cơ sở dạy nghề cho trẻ từ 13 đến 16 tuổi, hiện đã có 4 em được đào tạo nghề pha chế, thu ngân, nấu ăn... sau đó được nhận vào làm việc tùy theo khả năng ở quán cà phê Living Hope. Bà Loan cũng chia sẻ rằng, đang ấp ủ dự định phát triển mô hình pha chế và mở hệ thống siêu thị mini để tạo thêm nhiều việc làm cho các em...
Can thiệp cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở Khoa Tâm bệnh và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Giang
Khoa Tâm bệnh và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh được thành lập từ tháng 12/2022. Với chức năng khám, chẩn đoán và điều trị, can thiệp cho trẻ bị mắc rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, thời gian qua, đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên của Khoa đã khám, điều trị, can thiệp cho hàng nghìn lượt trẻ em cũng như tư vấn, hướng dẫn người nhà của trẻ cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ.
Với nhiều mô hình được triển khai đã giúp cho trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ hội được phát hiện sớm, can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng, giúp các em sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn phía trước./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
Huyện Kiến Xương (Thái Bình): Chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Mastercard và VPBank tiếp tục triển khai sáng kiến “Xây hy vọng,  Dựng tương lai” hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam
Tuổi trẻ Trường Cao đẳng Quảng Nam hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh lần thứ IV” năm 2024
Những chuyến hàng nghĩa tình của Hoa quả Phương Toản với bà con sau bão số 3
Đại hội Đoàn Trường Cao đẳng nghề TPHCM nhiệm kỳ 2024- 2027 thành công tốt đẹp
Thành phố Yên Bái chung tay chăm sóc người có công
Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương Ngã Năm
Đắk Nông: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nghèo
Quảng Trị: Triển khai nghiêm túc công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024