Hiệu quả Chương trình tín dụng chính sách giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)
(LĐXH) - Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Tiên Lãng thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Phát huy vai trò là đơn vị thực hiện chức năng triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Lãng đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho gia đình chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất. Thông qua các hội, đoàn thể nhu Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ban Chỉ huy quân sự huyện… hàng nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư làm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí, xây sửa nhà ở. Nổi bật là chương trình tín dụng chính sách giải quyết việc làm, qua đó đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thuần nông có điều kiện phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện
Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, NHCSXH huyện thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm được thực hiện chủ yếu thông qua ủy thác các tổ chức chính trị - xã hội. Để bảo đảm nguồn vốn cho vay ủy thác, hằng năm sau khi các tổ chức hội và các phường rà soát đối tượng, cùng với NHCSXH huyện lập hồ sơ cho vay; phối hợp thẩm định, trình phân bổ nguồn vốn các cấp đáp ứng nhu cầu vay vốn ở từng phường; tham mưu kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ủy thác từ ngân sách địa phương. Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với 1 lao động là 100 triệu đồng và 2 tỷ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Đối với những dự án vay vốn lớn, trên 100 triệu đồng phải có tài sản thế chấp, ngân hàng phải đi thực tế, trực tiếp kiểm tra, thẩm định tính khả thi của dự án, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã khẳng định tên tuổi ra thị trường, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho người dânTrong năm 2022, doanh số cho vay từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Tiên Lãng đạt hàng tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2023, doanh số cho vay chương trình tín dụng giải quyết việc làm đạt 15.921 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 172 lao động, nâng tổng vốn vay dư nợ trên địa bàn huyện tính đến thời điểm này lên 62.487 triệu đồng. Nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm đã và đang được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh và nhiều hộ gia đình đã thay đổi thói quen, có nhiều nhận thức mới trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp nông thôn và góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đặc biệt, thông qua Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế cho hộ gia đình. Từ nguồn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay, đã giúp cho 7 lao động được vay vốn đầu tư thêm máy móc sản xuất và đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trên địa bàn.
Thời gian tới, để chính sách tín dụng giải quyết việc làm tiếp tục đi vào cuộc sống, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Tiên Lãng tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được vay vốn. Cùng với đó, căn cứ vào thực trạng và nhu cầu lao động, việc làm ở các xã, thị trấn, đơn vị có kế hoạch giải ngân vốn vay chính xác các dự án; đồng thời, tăng cường đôn đốc thu hồi vốn vay từ các dự án đã đến kỳ trả nợ, để có nguồn vốn cho vay các dự án mới, không ngừng tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động nông thôn trong giai đoạn hội nhập và phát triển./.
Trần Huyền