Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hiệu quả chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm ở huyện Kế Sách
04:01 PM 26/12/2023
(LĐXH) - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm và giảm nghèo bễn vững đối với lao động diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn trong thời gian qua.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kế Sách phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm GDNN - GDTX và các địa phương tổ chức các Phiên giao dịch việc làm trong năm 2023

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kế Sách ngày càng được tăng cường, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) huyện Kế Sách, bên cạnh nguồn vốn cân đối chuyển từ Trung ương, NHCSXH huyện Kế Sách còn tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Điển hình như hộ gia đình ông Lê Thanh Vẹn, ngụ Ấp 5B, xã Ba Trinh của huyện đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích, hiệu quả. Ông Vẹn cho biết: “Gia đình tôi được vay theo chương trình Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách UBND huyện chuyển sang, thuộc hội nông dân quản lý với số tiền vay 50 triệu đồng, mục đích vay để cải tạo, chăm sóc vườn sầu riêng, hiện nay thu nhập bình quân hàng năm là 150 triệu đồng”.

Lớp học nghề về kỹ thuật nuôi trồng tại xã An Lạc Tây gắn với việc làm cho lao động nông thôn

Cũng là hộ được vay theo chương trình Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách UBND huyện chuyển sang, thuộc hội cựu chiến binh quản lý, gia đình ông Trần Hùng Ngự (ngụ ấp An Phú, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách) có được số tiền vay 50 triệu đồng nên đã bắt tay ngay vào việc cải tạo, chăm sóc vườn nhãn và hiện nay đã cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm. Theo đại diện các hộ gia đình được vây vốn chia sẻ:  "Nhờ có nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách huyện Kế Sách mà các hộ gia đình chúng tôi có thêm nguồn vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đây là vốn vay ưu đãi rất phù hợp với người dân vì thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại nên được nhiều người dân quan tâm – Đại diện các hộ gia đình cho hay".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Cao Minh Thơm, trong năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã phát vay nguồn tín dụng ưu đãi cho 14.417 lượt người, với số tiền là 364.505,470 triệu đồng. Trong đó, giải quyết việc làm 763 người với kinh phí 32.864 triệu đồng; vệ sinh môi trường nông thôn 3.000 người, kinh phí 54.756 triệu đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 1.468 người, kinh phí 51.342 triệu đồng; nhà ở xã hội cho 19 hộ, kinh phí 7.470 triệu đồng; xuất khẩu lao động 04 người, kinh phí 371 triệu đồng. Ngoài ra, cho vay học sinh sinh viên mua máy vi tính thiết bị phục vụ học cho 145 người, kinh phí 1.450 triệu đồng; cho vay vùng dân tộc thiểu số cho 293 người, kinh phí 11.977 triệu đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho 01 cơ sở, kinh phí 100 triệu đồng; Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 02 người, kinh phí 64,47 triệu đồng…

Mô hình nuôi gà mang lại hiểu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại huyện Kế Sách

Đến hiệu quả từ CTMTQG giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, huyện Kế Sách đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, đến nay nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từ đó đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của UBND huyện Kế Sách, năm 2022, Dự án 1 “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng xã bãi ngang” giải ngân vốn đạt 81,27% so với kế hoạch và năm 2023, giải ngân vốn đạt 27,28%; Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”; Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất” đã phân khai vốn đầu tư cho 13 đơn vị xã, thị trấn, đến nay các đơn vị xã xây dựng xong đề án, chờ đấu thầu, phê duyệt thực hiện Chương trình; Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” giải ngân đạt 30,47% kế hoạch vốn; Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” đã giải ngân vốn đạt 99,94% so với kế hoạch; Dự án 7 “Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá, thực hiện chương trình ở các đơn vị xã, thị trấn” giải ngân vốn đạt 97,80% so với kế hoạch. Năm 2023, UBND huyện Kế Sách giao vốn (vốn đầu tư công) cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là Xuân Hòa với kinh phí 7,5 tỷ đồng và tiến hành xem xét phê duyệt các dự án, công trình triển khai các gói thầu theo quy định, đến nay đã giải ngân đạt 27,52% kế hoạch vốn.

Xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Tính đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 34.879 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 32.843 triệu đồng, giải ngân được 24.967 triệu đồng, đạt 71,58% (vốn đầu tư phát triển 28.928 triệu đồng, giải ngân được 24.178 triệu đồng, đạt 83,58%; vốn sự nghiệp 3.915 triệu đồng, giải ngân được 789 triệu đồng, đạt 20,15%). Riêng vốn ngân sách tỉnh là 2.036 triệu đồng (vốn sự nghiệp), chưa giải ngân được. Còn đối  với Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay Hội đồng nhân dân tỉnh mới ban hành Nghị quyết nên đang triển khai thực hiện.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Kế Sách, để thực hiện hiệu quả “bài toán giải quyết việc làm”, huyện Kế Sách đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động hỗ trợ người dân vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách để đầu tư học nghề đi xuất khẩu lao động.

Nhiều Phiên giao dịch việc làm được huyện Kế Sách phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai có hiệu quả trong năm 2023

Xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH là sự tiếp sức, giúp nhân dân địa phương giảm bớt gánh nặng tài chính để có thể đi làm việc ngoài nước. Những năm qua, với sự đồng hành, hướng dẫn kịp thời của các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng, huyện Kế Sách đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 10 về thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng và tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc) từ ngân sách tỉnh.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà giải pháp hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được huyện Kế Sách đẩy mạnh trong năm 2023

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Kế Sách cho biết, trong năm 2023, huyện đã tập trung thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm mới và việc làm thêm cho lao động nhàn rỗi. Cụ thể, đã giới thiệu việc làm cho 2.306 người có nhu cầu làm việc tại các công ty, Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt 104,82% kế hoạch. Lao động trong tỉnh 502 người, ngoài tỉnh 1.485 người, Tự tạo việc làm cho 294 người; Trong đó: lao động nữ 1.215 người, lao động dân tộc Khmer 283 người; xuất khẩu 25 lao động (Nhật Bản 06 người; Đài Loan 16 người, Hàn Quốc: 03 người) đạt 100% so với kế hoạch.

Ngoài ra, trong năm 2023, tổng số lao động qua đào tạo là 2.475 người, đạt 103,13%, số lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ là 837 người so với kế hoạch. Trong đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 27 lớp có 486 người, còn lại là các ngành, đoàn thể huyện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có dạy nghề theo hình thức dạy nghề kèm cặp, truyền nghề. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75,19%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 33,06 % kế hoạch./.

Vương Linh

TAG: Hiệu quả chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo