Hành trình đi tìm đồng đội
(LĐXH) - Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội quan tâm chỉ đạo, triển khai từ rất sớm, ngay trong những năm tháng của chiến tranh. Và đến nay, hành trình ấy vẫn tiếp tục với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao nhất.
Lật từng tấc đất để tìm đồng đội
Tại Thừa Thiên - Huế, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 192 - Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh (Đội 192) được thành lập năm 1992 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến ở nước CHDCND Lào.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế được giao nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt ở địa bàn 2 tỉnh Salavan và Sê Kông. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, đồng nghĩa với việc công tác quy tập mộ liệt sĩ đã khó càng khó hơn; thông tin về địa điểm, địa hình ngày càng thay đổi; những đồng đội người còn, người mất, những nhân chứng cũng đã già yếu và không còn nhớ chính xác nơi chôn cất các liệt sĩ. Tuy nhiên, với trách nhiệm với Đảng, với nhân dân và sự tri ân với những đồng đội đã hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã không quản ngại gian nan, vất vả ngày đêm tìm kiếm…
Thượng tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội 192, trước khi về công tác tại đây là Trưởng Ban chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế Thượng tá Chương đến nay đã 33 năm công tác trong quân đội, với 28 tuổi Đảng và gần 10 năm gắn bó với những hành trình đi tìm hài cốt các liệt sĩ, các đồng đội trên đất nước bạn Lào.
Nói về những ngày đầu đặt chân đến đất nước bạn Lào, anh Chương cho biết, khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ, phong tục tập quán địa phương. Ngoài ra, địa hình thay đổi do thời tiết, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng, không giống với sơ đồ đã được cung cấp nên gần như cán bộ, chiến sĩ trong Đội phải dò dẫm giữa thăm thẳm núi rừng để tìm kiếm với “hành trang” đắc lực nhất là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống.
Những bữa cơm ăn vội trong rừng trogn quá trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ
Đặc điểm nơi các liệt sĩ nằm lại thường là đồi núi hiểm trở, phức tạp. Để thực hiện công việc tìm kiếm, Đội 192 chủ yếu phải hành quân bộ, nhiều nơi còn bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh gây nguy hiểm cho quá trình tìm kiếm. “Có nhiều trường hợp phải tìm kiếm từ năm này sang năm khác, cũng có khi phải đào sâu 3 - 4 mét mới tìm đúng nơi các liệt sĩ bị vùi lấp trong cuộc chiến đấu năm xưa”, anh Chương nói. Có thể nói, Đội đã kiên trì lật từng tấc đất, từng góc suối, đào hàng chục nghìn m3 đất đá bằng công cụ thô sơ, vừa đi vừa mở đường…
Thời tiết ở nước Lào cũng vô cùng khắc nghiệt khi mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì lạnh thấu xương. Nhưng những đôi tay chai sạn vẫn cẩn thận nâng niu từng lớp đất. Mỗi khi phát hiện được ngôi mộ nào đó, dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ cũng khiến các cán bộ chiến sĩ quy tập mừng rơi nước mắt. Bao nhiêu năm rồi, những phần mộ ấy có khi chỉ còn lại nắm đất đen, sợi tóc hay mảnh vải... nhưng đó là hồn cốt, là máu xương của những người đã khuất vẫn đang đợi để được về với đất mẹ thân thương.
Luôn chú trọng công tác Đảng
Đội 192 tại Lào hiện có 30 cán bộ, chiến sĩ và cùng sinh hoạt tại Chi bộ 192. Thời gian qua, Chi bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đảng viên nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, không có đảng viên nào bị kỷ luật. Mùa khô năm nay (2022 - 2023), các anh lại tiếp tục hành trình lên đường đi tìm đồng đội nơi đất bạn. Trong quá trình thực hiện, Đội sẽ chia thành 2 hướng, mỗi hướng chia thành 2 bộ phận; 1 bộ phận chuyên đi khảo sát thông tin và bộ phận còn lại thực hiện việc khai quật tìm kiếm.
Có những phần mộ chỉ còn lại nắm đất, mảnh vải...nhưng với đội 192, đó là những điều vô cùng quý giá
Hàng năm cứ vào dịp tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, Đội 192 lại khăn gói đồ nghề băng qua những cánh rừng hiểm trở ở Lào để thực hiện nhiệm vụ. Hành trang của cán bộ, chiến sỹ đơn giản chỉ là một vài nhu yếu phẩm cần thiết, chiếc võng, cái cuốc, cái xẻng. Trên hành trình ấy, họ cùng giúp nhau vượt qua cái giá rét giữa chốn “rừng thiêng, nước độc” để có thể tìm đến được những vị trí mà đồng đội đang nằm.
Chia sẻ về công tác sinh hoạt Chi bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nơi nước bạn, Thượng tá Chương cho biết, do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi bộ phải phân chia ra nhiều hướng, mỗi hướng có một tổ Đảng. Tại Lào, địa bàn thực hiện nhiệm vụ có thời điểm các tổ cách nhau 200 - 300km, vì vậy trước lúc sang Lào, cấp ủy Chi bộ đã ra Nghị quyết Chuyên đề thực hiện nhiệm vụ từng giai đoạn và cả quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Lào cũng như trong nước.
Ngoài ra, do điều kiện an ninh trên địa bàn đất nước bạn, nên Chi bộ thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, phương tiện, cơ sở vật chất đơn vị. Đặc biệt, các đảng viên trong Chi bộ phải làm tốt công tác ngoại giao quốc tế nơi đóng quân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tăng cường quan hệ tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước để hỗ trợ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, Thượng tá Chương chia sẻ.
Đinh Hùng
TAG: