Pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Pháp luật
Hàng giả, hàng nhái: Chế tài nghiêm nhưng có đủ răn đe?
08:28 AM 16/02/2025
(LĐXH) - Hàng nghìn gói bánh kẹo bị vứt bỏ, một cơ sở sản xuất bị điều tra hình sự. Vấn đề không còn nằm ở một địa phương mà phản ánh thực trạng chung của thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mỗi ngày. Liệu chế tài hiện nay đã đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này?

Từ ngày 19/12/2024 đến 6/2/2025, chính quyền xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) đã tiến hành xử lý 19 cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm, trong đó một cơ sở bị điều tra hình sự vì sản xuất hàng giả. Vụ việc này tiếp tục dấy lên cảnh báo về thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan, đặc biệt là ở khu vực cổng trường học và các sàn thương mại điện tử.

“Núi” rác gồm bánh, kẹo... bị đổ trộm tại bãi rác Khu công nghiệp La Phù gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: MXH

Cùng thời điểm, tại bãi rác Khu công nghiệp La Phù, một lượng lớn bánh kẹo bị vứt bỏ, trong đó có những sản phẩm mang nhãn hiệu tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.

Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm kém chất lượng vẫn hoạt động hợp pháp, nhờ có giấy phép an toàn thực phẩm và phiếu kiểm nghiệm. Mặc dù Nghị định 15/2018 cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, nhưng nếu không có kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng sẽ tiếp tục là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là độc hại.

Luật sư Hoàng Văn Hà, từ Công ty Luật ARC Hà Nội cho biết, theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hàng giả về nội dung là sản phẩm không đạt chất lượng hoặc không đúng như công bố, chẳng hạn như thực phẩm chứa chất cấm. Hàng giả về hình thức thường là hàng nhái nhãn hiệu. Mức xử phạt tùy vào giá trị và hậu quả của hàng giả, có thể là phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm, thậm chí lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Hoàng Văn Hà, từ Công ty Luật ARC Hà Nội

Đối với pháp nhân thương mại, mức phạt có thể lên tới 9 tỷ đồng và cấm kinh doanh vĩnh viễn. Việc giám sát chất lượng thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, là điều hết sức cần thiết.

Người tiêu dùng có quyền lập vi bằng để ghi nhận tình trạng vi phạm, nhưng việc kiểm nghiệm sản phẩm phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Việc lập vi bằng chỉ hỗ trợ giám định ban đầu, còn giám định độc lập cần phải được quy định chi tiết hơn.

"Trong vụ việc tại bãi rác La Phù, nếu các sản phẩm bánh kẹo vứt bỏ là hàng giả, người sản xuất và kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm điều tra, kiểm tra và xử lý vụ việc. Việc phát hiện và xử lý hàng giả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng quản lý thị trường và người dân", luật sư Hà nhận định.

Xuân Đoàn
TAG:
Tin khác
Phát hiện, bắt giữ hơn 3,7 kg chất nghi là cần sa qua cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng
Nữ chủ tiệm vàng lao ra chặn đầu xe tên cướp
Đang livestream giữa phố, nữ idol 22 tuổi bị đâm hàng chục nhát tới chết
Ninh Thuận: Trấn áp nhóm thanh thiếu niên mang hung khí nguy hiểm
Cô giáo Hàn Quốc đâm chết nữ sinh 8 tuổi: Bất hòa gia đình nên trút giận lên học sinh
Người đàn ông cầm hung khí chặn xe taxi vì nghi vợ ở bên trong
Thừa Thiên - Huế: Bắt nhóm thanh, thiếu niên gây ra loạt vụ trộm
Ăn lẩu tự chọn, hai người đàn ông trộm luôn 10kg thịt bò
Hôm nay xét xử vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong