An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng: Tăng cường kiểm soát điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động
11:07 AM 11/05/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tích cực thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhờ đó đã góp phần kiềm chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng, năm 2019, TNLĐ giảm 15,9% so với năm 2018, thành phố Hải Phòng không nằm trong 10 địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất; đồng thời số người mắc BNN cũng giảm; điều kiện làm việc được cải thiện…
Năm 2019, TNLĐ trên địa bàn thành phố Hải Phòng giảm 15,9% so với năm 2018
Năm 2019, trên địa bàn thành phố có 1 tập thể được Bộ LĐTBXH tặng Cờ thi đua xuất sắc, 10 tập thể, 4 cá nhân được xét tặng bằng khen của Bộ LĐTBXH và UBND thành phố; 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục An toàn lao động và Giám đốc Sở LĐTBXH; Giám đốc Công an thành phố đã công nhận 108 điển hình tiên tiến về phòng cháy chữa cháy…
Năm 2020 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động số 76-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thành phố được dự báo tiếp tục bứt phá với tốc độ cao. Nhiều doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới chính thức đi vào sản xuất tại địa phương. Lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp sản xuất ô tô, may mặc, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh. Nhiều dự án, công trình xây dựng trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai nhanh. Do nhu cầu lao động ngày càng gia tăng, lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động nông thôn tiếp tục được các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được hội nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, các công nghệ tự động hóa được áp dụng sâu rộng. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa sâu rộng các hoạt động dịch vụ về ATVSLĐ dễ dẫn tới chất lượng cung cấp các dịch vụ này bị ảnh hưởng do cạnh tranh không lành mạnh. Đó là thuận lợi nhưng cũng là thách thức về công ATVSLĐ, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, để tạo môi trường làm việc an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.
Thực hiện chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 là “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; cải cách thủ tục hành chính về ATVSLĐ, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu về Giáo dục nghề nghiệp, Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe của người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững