Hải Phòng quyết tâm thực hiện tốt Tháng An toàn, vệ sinh lao động
(LĐXH) Trong những tháng đầu năm, tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh, vừa quản lý tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công nhân viên làm việc tại các cơ sở, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn.
Năm 2019, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố (GRDP) năm 2019 tăng 16,68% so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm (tăng 15,5%). Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Cùng với đó, công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của thành phố. Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động, năm 2019 thành phố Hải Phòng tiếp tục không nằm trong 10 tỉnh, thành có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất; tổng số vụ tai nạn lao động giảm 15,9% so với năm 2018.
Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương và định hướng chỉ đạo rõ nét, quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; sự vào cuộc nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết, thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân. Năm nay, thành phố Hải Phòng tổ chức phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” với mục đích tiếp tục duy trì công tác an toàn, vệ sinh lao động, tăng cường nhận thức người dân và giảm thiểu tai nạn lao động so với năm 2019.
Để hưởng ứng và thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp, người lao động triển khai thực hiện tốt một số nội dung công tác trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Chương trình hành động số 28 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về An toàn vệ sinh lao động. Lồng ghép thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chương trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác. Chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động gắn với các hoạt động của Tháng công nhân; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác An toàn vệ sinh lao động, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Thứ ba, tiếp tục khuyến khích nguồn đầu tư xã hội hóa cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình cung cấp dịch vụ của các tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động.
Thứ tư, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động:
- Chủ động rà soát bố trí đủ số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, công tác y tế và đáp ứng đủ điều kiện về kinh nghiệm và chuyên môn theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan;
- Tham gia đầy đủ, đúng quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc cho người lao động; xây dựng văn hóa an toàn, vệ sinh lao động trong cơ quan, doanh nghiệp.
- Tổ chức đầy đủ, đúng quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các vật tư, máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động; lựa chọn đối tác có đủ năng lực để cung cấp những sản phẩm an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường. Chủ động nắm bắt công nghệ sản xuất, tổ chức đánh giá rủi ro, lập Kế hoạch kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo mục tiêu theo chủ đề Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.
Cuối cùng, yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, quan tâm đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ như xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất, may mặc, cảng biển… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố hãy có những hành động thiết thực, hiệu quả nhất để hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 vì sự an toàn của người lao động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thành phố và đất nước.
Minh Ngọc
TAG: