Hải Phòng: Nỗ lực xây dựng môi trường làm việc an toàn cho công nhân
(LĐXH)- Cùng với việc thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh lao động, góc bảo hộ lao động, nhiều doanh nghiệp FDI ở Hải Phòng triển khai các chế độ liên quan đến an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khoẻ người lao động.
Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động ở doanh nghiêp trên địa bàn thành phố
Công ty TNHH Nichias (Khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng) là một trong doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Trong bản thoả ước lao động tập thể được ký kết năm 2020 có quy định rõ nội dung về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, theo Công đoàn Công ty Nichias, công ty liên tục cải thiện môi trường làm việc, lắp các hệ thông điều hoà, làm mát không gian mở, hệ thống lọc không khí hút mùi thông gió cho nhà xưởng.
Ngoài BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định, công ty trang bị bảo hiểm rủi ro 24/24h cho người lao động. Hàng năm, 100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ với chi phí khám khoảng 3 triệu đồng/người, sớm phát hiện 3 trường hợp cần khám thêm chuyên khoa do có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được thực hiện đầy đủ, các tổ đội đều có ghi chép báo cáo rõ ràng. Qua đó, số vụ tai nạn có giảm, ý thức chấp hành an toàn của công nhân tăng lên. Hàng năm, công nhân lao động đóng góp hơn 1.000 sáng kiến cải tiến, trong đó khoảng 50% đề xuất cải thiện điều kiện làm việc dễ dàng và an toàn hơn.
Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng triển khai nhiều hoạt động vì công nhân lao động
Trong 10 chương được quy định trong thoả ước lao động tập thể, Công ty TNHH Wayne (Khu công nghiệp Nhật Bản – Hải Phòng), công đoàn và công ty ký kết một chương về an toàn lao động với điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật. Cụ thể, hàng năm, công ty trạng bị cho người lao động đồ bảo hộ gồm 2 bộ mùa hè/năm, 1 bộ mùa đông/2 năm, khẩu trang chống bụi 1 chiếc/ngày, khẩu trang chống độc 4 cái/năm và găn tay 2 đôi/tháng (tuỳ bộ phận). Công ty thực hiện khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần cho toàn thể lao động.
Còn tại Công ty TNHH Akita Oil Seal Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Chấp hành công đoàn phối hợp Ban Giám đốc công ty tổ chức 8 cuộc đối thoại, 3 hội nghị người lao động giải quyết nhiều kiến nghị đề xuất của người lao động. Trong đó có nội dung liên quan đến chế độ an toàn vệ sinh lao động như tăng tiền trợ cấp nặng nhọc, cải thiện môi trường làm việc. Hàng năm 100% lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, khám sức khỏe định kỳ với chi phí khám 450.000 đồng/người. Nhờ vậy, trong 5 năm, công ty không để xảy ra tai nạn lao động nặng.
Theo báo cáo của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2022, Công đoàn Khu kinh tế chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp kiện toàn, thành lập mạng lưới An toàn vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn vệ sinh lao động, xây dựng góc bảo hộ lao động… Kết quả, 121 đơn vị tự kiểm tra, 152 đơn vị tổ chức huấn luyện an toàn cho 86.484 lao động, 215 đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 125.287 lao động, mức khám bình quân 476.800 đồng/người.
Tính đến thời điểm hiện nay đã có 175 doanh nghiệp thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 3.120 người, 89 đơn vị chi phụ cấp an toàn vệ sinh viên, 160 doanh nghiệp đã xây dựng 752 góc tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động… Các công đoàn cơ sở tăng cường các biện pháp chống nóng trong mùa hè. Cụ thể, 114 công đoàn cơ sở tuyên truyền giải pháp chống nóng; 97 đơn vị đề xuất thành công các giải pháp chống nóng như quạt thông gió, điều hòa, nước uống bù điện giải, đảo giờ làm, đồng phục đặc biệt có lớp thoáng khí… Với hoạt động chăm lo thiết thực, tình trạng mất an toàn trong lao động giảm, sức khoẻ của người lao động được quan tâm, nâng cao.
Để thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, trong năm 2023, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về người lao động; trong đó, tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của công nhân lao động, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, công nhân lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản cao hơn quy định của Luật và có lợi cho người lao động. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chủ động kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu thi công) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình; kiên quyết tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng và cấp quyết định đầu tư về chất lượng công trình, ATLĐ trong thi công xây dựng công trình do mình được giao làm chủ đầu tư, chủ sở hữu theo quy định.
Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về ATLĐ đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn phù hợp với quy mô, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường theo quy định. Đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì người lao động phải được cấp Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động./.
Hồng Phượng
TAG: