An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động
10:06 AM 16/01/2021
(LĐXH) - Năm 2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng xảy ra 19 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 18 người chết, 4 người bị thương. Trong thời gian tới Hải Phòng sẽ chú trọng đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, trong đó nâng cao vai trò chủ động tham gia, giám sát của người lao động.
Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn thành phố Hải Phòng xảy ra 19 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 18 người chết, 4 người bị thương, tăng 46% về số vụ so với năm 2019. Trong đó, 6 vụ việc xảy ra tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc Liên đoàn lao động thành phố quản lý, gồm: Công ty CP nội thất 190, Công ty TNHH Seethings Việt Nam, Trường THCS Tân Trào, Công ty TNHH Sinchi Việt Nam, Công ty LG Electronic, Công ty TNHH Products Plastics Jingguang.  Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng): Phần lớn tai nạn lao động xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu quan sát khi thực hiện các thao tác của người lao động.
Tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công trình xây dựng còn có hiện tượng người lao động không mang đủ thiết bị bảo hộ lao động, chưa có kiến thức cơ bản trong xử lý sự cố chập điện, tràn hóa chất... Chị Trần Thị Ngọc Hải, công nhân Công ty TNHH Seethings Việt Nam (Khu công nghiệp Đồ Sơn) cho biết: “Năm 2020, tại nơi tôi làm việc xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân thiệt mạng. Sau đó, công ty cảnh báo người lao động về nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nếu không tuân thủ qui trình, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động..., thường xuyên để vật liệu thừa không đúng nơi qui định, quên tắt thiết bị sau ca làm việc... Tuy nhiên, một số người vẫn chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.
Ban thanh tra an toàn kiểm tra máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp
(Ảnh minh họa)
Do đó, việc nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân, đồng nghiệp đối với người lao động là rất cần thiết. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Cường, bên cạnh các lớp tập huấn, các cấp công đoàn cần tăng cường tổ chức các cuộc thi, hoạt động sát hạch kỹ năng thực hành để tăng cường, phát huy vai trò của người lao động tham gia ngăn ngừa, xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình sản xuất.
Ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp vai trò của người lao động trong chủ động phòng, chống tai nạn lao động được tăng cường. BàTrần Thị Mai, Chủ tịch Công đoàn Ngành Giao thông Vận tải Hải Phòng cho biết: “Đặc thù của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, kho bãi dẫn đến nguy cơ cháy nổ khá cao. Do đó, Công đoàn ngành đã phát động 33/41đơn vị (đạt tỷ lệ hơn 80% số công đoàn trực thuộc) hình thành mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 229 người tham gia. Các an toàn vệ sinh viên được lựa chọn từ đội ngũ lao động trực tiếp để tăng cường phát hiện chéo, thông báo kịp thời những thông tin liên quan đến vấn đề an toàn lao động tại doanh nghiệp tới Thanh tra ngành trong các buổi kiểm tra chuyên đề. Nhờ đó, năm 2020, các đơn vị trong ngành Giao thông Vận tải Hải Phòng không để xảy ra vụ việc tai nạn lao động đáng tiếc”.
Nội dung Thông tư 13 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội qui định rõ, nâng cao vai trò của người lao động trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, người sử dụng lao động cần công bố các nội dung về số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động gây chết người; các khoản chi về y tế, trả lương trong thời gian điều trị, bồi thường, trợ cấp, chi phí khác; thiệt hại tài sản; phân tích nguyên nhân biến động và hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tai nạn... tại hội nghị người lao động, thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở cơ sở, phân xưởng hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có). Như vậy, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước mà người lao động cũng có thông tin chi tiết, được chủ động tham gia, góp ý vào quá trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Hoàng Đình Long, để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động tại doanh nghiệp, thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện nghiêm Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các cấp công đoàn bổ sung các chế độ trợ cấp, thường xuyên tổ chức huấn luyện đội ngũ an toàn vệ sinh viên để gia tăng mạng lưới bảo vệ tính mạng, tài sản của người lao động khỏi nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc./.
Hải Uyên
TAG:
Tin khác
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức