Hải Phòng góp ý xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
(LĐXH)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia một số ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Qua nghiên cứu nội dung của bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, ý kiến tham gia của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng có ý kiến tham gia như sau:
- Tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
“1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác theo các hình thức sau đây:”
- Khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị giữ như qui định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP, cụ thể “Giám đốc điều hành là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, văn phòng điều hành của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.”. Các trường hợp Trưởng phòng ban, Bộ phận thì nên theo dạng chuyên gia, chứ không là Giám đốc điều hành.
- Khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét thời hạn báo cáo theo Mẫu 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này “trước ít 30 ngày và không quá 180 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài”.
- Khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị không nên bổ sung qui định này vì tạo thêm thủ tục không cần thiết cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động địa phương. Trong trường hợp này, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin các trường hợp đã được cấp giấy phép lao động, giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động mà Bộ đã thực hiện cấp.
làm cơ sở chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
- Khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị cân nhắc không đưa “quy chế hoạt động” vào danh mục hồ sơ, tài liệu chứng minh nhà quản lý, giám đốc điều hành. Nếu đưa “quy chế hoạt động” vào danh mục hồ sơ, tài liệu chứng minh thì bất kỳ ai cũng được doanh nghiệp đưa vào nhà quản lý, giám đốc điều hành khi không đủ điều kiện để cấp giấy phép lao động cho vị trí chuyên gia hay lao động kỹ thuật.
Đối với hồ sơ chứng minh nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật thì có qui định sử dụng giấy phép lao động đã được cấp. Do đó, cần qui định rõ giấy phép lao động là bản sao hay bản sao có công chứng, chứng thực.
- Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đối với trường hợp làm việc tại nhiều địa điểm, đề nghị quy định rõ cách trình bày thông tin trên phôi giấy phép lao động nếu người lao động nước ngoài có nhiều địa điểm làm việc; Trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã đề nghị cấp giấy phép lao động rồi, khi người lao động nước ngoài đến làm việc cho doanh nghiệp thuê lại lao động thì doanh nghiệp thuê lại lao động đó có phải đề nghị cấp giấy phép lao động nữa không? Nếu phải thực hiện thì người sử dụng lao động nào sẽ đề nghị (doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay doanh nghiệp thuê lại lao động).
- Khoản 24 Điều 1 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị xem xét và có hướng dẫn rõ các trường hợp có quyết định thành lập do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ cấp nhưng giấy phép hoạt động do các cơ quan tại địa phương cấp thì được nộp hồ sơ thực hiện các nội dung cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại các cơ quan chuyên môn về lao động cấp tỉnh để thuận tiện trong việc nộp hồ sơ cũng như trao đổi hướng dẫn khi cần thiết, điều này cũng giúp tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian chuẩn bị hồ sơ.
- Khoản 28 Điều 1 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: Đề nghị bổ sung nội dung “xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động”, cụ thể:
“a) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động và thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn. Trường hợp giao cho cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động trên địa bàn thì phải báo cáo và lấy ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tham gia ý kiến về một số nội dung khác, cụ thể là: Tại Điều 9, 13, 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về thành phần hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động: đề nghị quy định cung cấp các loại hồ sơ theo hướng cung cấp bản sao, không yêu cầu chứng thực như: Hộ chiếu của người lao động nước ngoài, điều này sẽ giải quyết được đối với hộ chiếu E của công dân Trung Quốc; Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Về các thông tin chi tiết về các ngành, nghề theo biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới (WTO): đề nghị cung cấp danh sách để tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở tra cứu thông tin chính xác tương tự như Thông tư số 35/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Công Thương quy định việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới không thuộc diện cấp giấy phép lao động (đã hết hiệu lực).
Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét về quyền hạn của Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu kinh tế được ghi trong Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung để tránh xung đột và mâu thuẫn với Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.
Đề nghị làm rõ khái niệm “Cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ Công ty” được quy định tại khoản 24, Điều 4 Luật Doanh nghiệp làm căn cứ xác định vị trí công việc khi làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với người lao động nước ngoài xin cấp giấy phép lao động ở vị trí thuyền viên, do điều kiện làm việc trên biển thì địa điểm làm việc rất khó xác định, đề nghị nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể.
Đề nghị quy định rõ khái niệm “vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được” làm cơ sở chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể đối với những “trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật” theo quy định tại khoản 10 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP./.
Hải Uyên
TAG:
góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi
bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
tuyển dụng lao động nước ngoài