An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng: Đảm bảo công tác An toàn vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp
10:49 AM 20/09/2021
(LĐXH) - Để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì phòng-chống dịch tại các KCN, Cụm CN là rất quan trọng. Xác định rõ điều này, thành phố Hải Phòng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
Các doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn thành phố đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động 
Thành phố Hải Phòng hiện có 13 Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 140.000 lao động, tập trung chủ yếu: VSIP, Tràng Duệ, An Dương, Nomura, Đình Vũ. Số lượng người lao động từ các địa phương khác đến Hải Phòng chiếm khoảng 30% tổng số lao động. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn và nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp/nhà đầu tư thứ cấp và các nhà thầu hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); củng cố bộ phận ATVSLĐ, bộ phận y tế cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; đảm bảo thực hiện công tác ATVSLĐ một cách thực chất và hiệu quả, không mang tính đối phó, hình thức. Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí sản xuất; chủ động đánh giá các nguy cơ và đề ra biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác ATVSLĐ và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn xây dựng đầy đủ, đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công, quy trình công nghệ, biện pháp an toàn; đánh giá, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tay nghề công nhân để hoàn toàn làm chủ về công nghệ.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác lập, phê duyệt và triển khai Kế hoạch ứng cứu sự cố - tìm kiếm cứu nạn; phương án phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo sát với thực tế sản xuất của đơn vị; dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để lập các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ theo quy định của Chính phủ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động.
Khi đầu tư xây dựng các công trình, Ban Quản lý Khu kinh tế đề nghị các chủ đầu tư phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng

Đối với các chủ đầu tư các công trình xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế đề nghị phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện đúng, đủ các quy trình, quy định về đảm bảo ATVSLĐ; quy định rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình và chịu trách nhiệm về vi phạm của nhà thầu (nếu có). Phải kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo ATVSLĐ để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động và yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động mới được tiếp tục thi công. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, thực hiện việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thực hiện việc ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; phân công, bố trí người lao động làm việc theo đúng ngành, nghề, công việc được đào tạo.
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, UBND thành phố đã ban hành Văn bản  về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý khẩn trương chỉ đạo các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp: thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid, dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn; không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc. Khi đã phát hiện trường hợp F0, khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt…), hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định. Tổng hợp danh sách cán bộ, nhân viên, người lao động gửi cơ quan chủ quản tổng hợp.
UBND thành phố giao Sở Công Thương, BQL Khu kinh tế, UBND các quận, huyện tổng hợp danh sách cán bộ, nhân viên, người lao động theo phạm vi quản lý, gửi Sở LĐTBXH tổng hợp. Sở LĐTBXH lập mẫu biểu tổng hợp danh sách người lao động của các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đảm bảo các tiêu chí phân loại nhân lực theo mức độ, có thể cho nghỉ hoặc thay thế.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ khi Việt Nam có ca bệnh đầu tiên. Một thách thức về ô nhiễm môi trường khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc khẩu trang đã qua sử dụng do công nhân vứt bỏ cũng được ban quản lý KCN lưu tâm, quán triệt để có giải pháp xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, Công ty đang cùng các doanh nghiệp hoạt động trong KCN nhanh chóng tiếp cận sử dụng công nghệ: thương mại điện tử, kết nối hệ sinh thái kinh doanh để bổ trợ và tạo chuỗi cung ứng hiệu quả hơn; sử dụng công cụ thông minh hỗ trợ quản trị. Qua đó, có thể thích ứng và duy trì hoạt động hiện có để giữ khách hàng và tạo được doanh thu trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Cùng với đó, Nam Cầu Kiền cũng tập trung nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu trong việc phát triển các dự án mới. Trong thời điểm này, việc chuyển dịch nguồn lực nhất định trong nghiên cứu phát triển cũng là một hướng đi đúng đắn mà Công ty đã thực hiện, đón chờ thời cơ khi đại dịch lắng xuống./.

Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương