Hải Phòng: Các doanh nghiệp chú trọng phòng dịch và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
(LĐXH)-Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp ở Hải Phòng rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch và an toàn vệ sinh lao động nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người lao động.
Sau nhiều tháng hoạt động “cầm chừng”, giảm nhân công, giãn sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tận dụng “thời gian vàng” để “về đích” kế hoạch năm.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hải Phòng(Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ), chỉ tính riêng quý 3/2021, số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhân sự tăng gấp gần 3 lần, nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng gấp 2 lần so với giai đoạn nửa đầu năm. Dù tỷ lệ tuyển dụng lao động ngành du lịch, lao động làm việc tại nước ngoài có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng theo ông Tăng Tiến Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, 9 tháng qua, số lao động được giải quyết việc làm vẫn đạt hơn 41.500 lượt người, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đạt được kết quả này là do các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng phục hồi sản xuất, nhu cầu tuyển lao động khá lớn.
an toàn vệ sinh lao động
Ông Đỗ Viết Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Rorze Robotech (Khu công nghiệp Nomura) cho biết: “Hiện, công ty có 2.500 lao động, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Để kịp hoàn thành các đơn hàng, từ nay đến cuối năm 2021, công ty dự kiến tuyển khoảng 500 lao động ngoại tỉnh. Để giữ chân và thu hút lao động, doanh nghiệp củng cố, nâng cao chế độ phúc lợi như: tạo điều kiện để hơn 90% số lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19; ngoài bữa ăn ca trị giá 32 nghìn đồng/ngày, Công ty bổ sung bữa ăn phụ miễn phí, tăng hỗ trợ chuyên cần, nhà ở…”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, các yếu tố an toàn vệ sinh lao động cũng được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quan tâm, củng cố. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá đối với người lao động tới một số cán bộ chủ chốt tại các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Phòng Việc làm-An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng) cho rằng: Việc tập trung đông lao động trong dây chuyền khó bảo đảm giữ khoảng cách an toàn giữa các công nhân. Do đó, người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn doanh nghiệp cần duy trì công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, ký túc xá; đánh giá nghiêm túc, sát sao nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh để từ đó, chủ động phương án ứng phó khi phát hiện những ca nhiễm, bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất hiệu quả.
Tuy nhiên, từ một số vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây tại các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố lân cận như ngộ độc tập thể xảy ra tại Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương (tỉnh Lào Cai), nổ lò hơi ở Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC thuộc Khu công nghiệp Quế Võ 2 (tỉnh Bắc Ninh)… cho thấy nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn, rình rập khi các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất trở lại.
Trước tình hình đó, bà Phạm Thị Huyền, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết: “Từ nay đến cuối năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và triển khai huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo kế hoạch. Thanh tra Sở tiếp tục kiểm tra, đánh giá, rà soát để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, góp phần xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hiệu quả cao”./.
Quang Tuấn
TAG: