An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hải Phòng: An toàn lao động gắn với phát triển kinh tế - xã hội
07:51 PM 01/07/2022
(LĐXH) - Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, góp phần tạo sự phát triển bền vững của các đơn vị, doanh nghiệp, tạo được sự gắn bó, cống hiến của người lao động với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng luôn xác định nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động là “chìa khóa” trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Hàng năm, Sở LĐTBXH thành phố luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về phong trào thi đua lao động sản xuất, bảo đảm ATVSLĐ.
Công ty cổ phần cáp điện và hệ thống LS-VINA chú trọng đến sự an toàn cho người lao động

Chỉ tính riêng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng hiện nay có khoảng 177.000 lao động, trong đó có gần 5.000 người lao động nước ngoài và trên 50.000 lao động ngoại tỉnh chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh…

Năm 2021, Hải Phòng đã thu hút 25 dự án FDI cấp mới với số vốn 304 triệu USD, 40 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2,479 tỷ USD. Như vậy tổng vốn FDI thu hút từ đầu năm đạt gần 2,8 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố giá trị xuất khẩu đạt 11,12 tỷ USD. Số nộp ngân sách đạt hơn nửa tỷ USD, vượt 28% kế hoạch…

Song hành với việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa nội dung trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Phần lớn doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể đều đưa nội dung an toàn, vệ sinh lao động vào thỏa ước. Trong đó, tập trung vào nội dung phụ cấp an toàn viên (cao nhất 300 nghìn đồng/tháng); khám sức khoẻ định kỳ (cao nhất 500 nghìn đồng/lần); trang bị bảo hộ lao động (cao nhất 500 nghìn đồng/người)....

Năm 2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế- xã hội, đời sống việc làm của công nhân viên chức lao động trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ cấp thành phố vẫn được phát động với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có hơn 1.000 Công đoàn cơ sở tổ chức triển khai biện pháp ATVSLĐ, kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các đơn vị, doanh nghiệp bằng các hình thức tuyên truyền trên bản tin, loa phát thanh các hình ảnh trực quan như pano, áp phích...

Cùng với đó, LĐLĐ các quận, huyện, các Công đoàn ngành tích cực hưởng ứng Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019” thông qua hình thức trực tuyến. Cuộc thi được tổ chức thành 2 đợt, mỗi đợt diễn ra trong 7 ngày với hơn 50.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia dự thi. Tiếp đó, các cấp công đoàn thành phố xây dựng 13 góc tuyên truyền về ATVSLĐ, thành lập 17 mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Riêng trong Tháng hành động năm 2021 về ATVSLĐ thành phố đã thành lập thêm 5 góc tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động và thành lập mới, kiện toàn 12 mạng lưới ATVSV tại doanh nghiệp.

Người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đảm bảo an toàn lao động khi làm việc

Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ quy tắc chuẩn mực về ATVSLĐ đối với từng lĩnh vực, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động, phát huy tính sáng tạo trong lao động gắn với công tác đảm bảo ATVSLĐ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATVSLĐ từng bước được củng cố tại cơ quan quản lý nhà nước các cấp và doanh nghiệp. Hội đồng ATVSLĐ cấp thành phố, cấp huyện đã được thành lập và định kỳ tổ chức gặp mặt đối thoại hàng năm với các doanh nghệp; ban hành việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công về điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện và kiểm định kỹ thuật về ATVSLĐ.

Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được triển khai từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện và cơ sở với nguyên tắc xuyên suốt là hạn chế sự trùng lắp, bỏ trống, tập trung thanh kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ cao. Trong tháng Hành động, Đoàn Thanh tra liên ngành đã làm việc tại 4 doanh nghiệp. Kết quả thanh kiểm tra cho thấy về cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện đúng qui định về bố trí, lắp đặt máy, thiết bị, dây chuyền, công nghệ theo tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn cũng như quy trình vận hành máy móc.

Với việc triển khai nhiều biện pháp thiết thực, thành phố Hải Phòng đã và đang tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt việc thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách TNLĐ, BNN sẽ giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững./.

Lê Minh

TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo