Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hải Hậu: liên kết “3 nhà” trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
09:22 AM 08/11/2019
(LĐXH) - Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình liên kết “3 nhà”: nhà nông - người học, nhà trường - người đào tạo, nhà sử dụng lao động - doanh nghiệp. Qua đó đã từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tại huyện Hải Hậu, ngay từ khi bắt đầu triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện đã khảo sát nhu cầu học nghề của bà con. Kết quả cho thấy người lao động ở các xã ven biển muốn học nghề dệt lưới; dân ở các xã vùng nội đồng muốn học dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... Riêng nghề may, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có lao động có nhu cầu học. Từ đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Hơn nữa muốn kéo nông dân đi học, không chỉ tuyên truyền kêu gọi mà điều quan trọng là phải có mô hình điểm hiệu quả cho người dân nhìn, có thế họ mới hăng hái tham gia học nghề.

Mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người lao động góp phần giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống
Để khắc phục những vấn đề trên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao; tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm; do đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, việc liên kết “3 nhà” trong công tác đào tạo nghề cho nông dân cũng mang lại kết quả khả quan. Là xã thuần nông với trên 13.000 dân, trong đó có 6.000 người trong độ tuổi lao động nên việc chuyển đổi cơ cấu lao động để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân là điều bức thiết, nhất là khi Hải Đường lại được chọn là 1 trong ít xã điểm trên cả nước thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền xã tích phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu tiến hành dạy nghề cho gần 100 lao động. Một số gia đình trong xã đã đầu tư máy móc, mở xưởng may gia công, thêu ren thu hút gần 150 lao động, tạo thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Đóng trên địa bàn xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, doanh nghiệp Cao Cường từ lâu đã làm tốt công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đến nay, doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp cho lao động của huyện Trực Ninh; phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề tương tự cho lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy. Với phương châm đào tạo nghề theo hướng "cầm tay chỉ việc", "học đi đôi với hành", doanh nghiệp đã tạo cho học viên tay nghề vững, tiếp cận dễ dàng với công việc; những năm qua, sản phẩm doanh nghiệp làm ra đều được khách hàng ưa chuộng. Trong khi khá nhiều doanh nghiệp khác "lao đao" thiếu các đơn hàng thì doanh nghiệp Cao Cường vẫn đảm bảo sản xuất và có thêm nhiều hợp đồng dài hạn nhờ vào hệ thống chân rết là những lao động đã từng được đào tạo tại doanh nghiệp. Cùng với việc dạy nghề, những năm qua doanh nghiệp đã huy động thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều "kênh" khác đầu tư mở rộng nhà xưởng, tổ chức sản xuất thêm các sản phẩm may mặc bên cạnh sản phẩm mây tre đan truyền thống. Việc làm này đã góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn tại 18 xã trong huyện. Hoạt động thu mua bẹ chuối, bèo tây của doanh nghiệp cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác trên địa bàn.
Lớp dạy nghề Cơ khí, hàn 35 lao động do Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Nam Định tổ chức sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo Công ty TNHH Thắng Lợi - An Xá, thành phố Nam Định đã tiếp nhận toàn bộ số lao động vào làm việc tại công ty và trả người lao động với mức lương từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn có hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn 

Doanh nghiệp và cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều sự gắn kết. Ngoài 04 doanh nghiệp được cấp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có khoảng trên 35 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Như: Công ty Cổ phần may Sông Hồng ; Công ty TNHH May mặc Smartshirts tham gia đào tạo lao động trên địa bàn huyện Ý Yên; Công ty TNHH May Phúc Hằng tham gia đào tạo lao động trên địa bàn huyện Mỹ Lộc… Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như Lớp Nuôi trồng thủy sản do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Lộc tổ chức tại xã Mỹ Tiến - huyện Mỹ lộc; Lớp Chăn nuôi gia súc, gia cầm và lớp Nuôi trồng thủy sản do Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật nông nghiệp Nam Định tổ chức tại Xã Phương Định - Huyện Trực Ninh người nông dân sau khi tham gia khóa học đã mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng vật nuôi nâng cao thu nhập hơn so với trước khi học nghề./.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng