Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hải Dương: Nỗ lực triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công
03:55 PM 19/08/2020
(LĐXH) - Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình chính sách. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã huy động nhiều nguồn lực để cải thiện nhà ở cho người có công.
Tỉnh Hải Dương hiện đang quản lý trên 300 nghìn hồ sơ người có công
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, hiện địa phương đang quản lý trên 300 nghìn hồ sơ người có công, trong đó có gần 39 nghìn liệt sĩ, 21 nghìn thương binh, 4 nghìn mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 41 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong số các gia đình chính sách vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn, đặc biệt là về nhà ở cần được hỗ trợ.
Thực hiện Quyết định 22/2013 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở Xây dựng tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện lập và trình phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đồng thời giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn Hải Dương thiết kế và lập dự toán một số mẫu nhà ở phục vụ đối tượng đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 22/2013/TTg; có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, rà soát số lượng đối tượng có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở để làm căn cứ xây dựng Đề án. Tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở với tổng số đối tượng được hỗ trợ là 6.896 hộ, trong đó có 3.168 hộ được hỗ trợ xây mới và 3.728 hộ được hỗ trợ sữa chữa nhà ở. Tổng kinh phí ngân sách Trung ương đã cấp 181.152 triệu đồng.
Hỗ trợ nhà ở cho người có công là mong mỏi, tâm nguyện lớn của nhiều gia đình chính sách
Để việc thực hiện chính sách có hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến việc tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã phân công các thành viên phụ trách các địa bàn để chỉ đạo, theo dõi và thường xuyên đôn đốc việc thực hiện Đề án, định kỳ tổ chức họp để đánh giá, thảo luận và đề xuất biện pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương. Các thành viên được phân công hầu hết đã nêu cao được ý thức trách nhiệm, chủ động kiểm tra, giám sát, giúp chính quyền cơ sở thực hiện tốt Đề án.
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương cũng củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, tiến hành rà soát, bình xét và phê duyệt danh sách các hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở; cập nhật thông tin, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện đến từng thôn. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về việc thực hiện hỗ trợ người có có công với cách mạng về nhà ở đã bám sát Đề án, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện chương trình một cách có hiệu quả. UBND tỉnh đã giao Sở Lao động -Thương binh và Xã hội rà soát lại những đối tượng thuộc diện hỗ trợ về nhà ở trong Đề án đã được phê duyệt. Đối với các hộ mới phát sinh yêu cầu thống nhất với UBND cấp huyện, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh kiểm tra cụ thể và đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ tiếp nếu đủ điều kiện. Qua rà soát, số lượng người có công với cách mạng có nhà ở hiện đã tiếp tục xuống cấp nằm ngoài Đề án (giai đoạn 1) là khá lớn. Việc rà soát đối tượng được các địa phương triển khai thực hiện nhiều lần theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch theo đúng quy định của chính sách.
Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị
(ảnh minh họa)
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 6.628 hộ người có công, trong đó có 3.280 hộ xây mới và 3.348 hộ sửa chữa, bao gồm số hộ được hỗ trợ nằm trong Đề án (đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến thời điểm 31-5-2017) là 5.078 hộ và số hộ thực hiện hỗ trợ không nằm trong Đề án là 1.548 hộ. Tổng kinh phí ngân sách Trung ương đã được thanh quyết toán là 178.344 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương, xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng nhằm tri ân xương máu của những người đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập, tự do của dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ cấp tỉnh đến huyện, xã đã lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sát sao, quyết liệt tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng ở Hải Dương đã tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp chính quyền, địa phương cùng với sự ủng hộ đóng góp của xã hội đã và đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công. Qua đó, việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.
Tỉnh Hải Dương là một số trong các địa phương có số lượng lớn người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở. Việc triển khai hỗ trợ đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng, điều kiện; kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở tại các địa phương đảm bảo theo quy định; nhiều người có công nhận được sự chung tay của gia đình, dòng họ và cộng đồng đã xây dựng lại nhà ở khang trang, to đẹp hơn với kinh phí lớn hơn nhiều so với kinh phí được hỗ trợ. Tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Các khiếu nại, thắc mắc, kiến nghị của người có công liên quan đến việc hỗ trợ về nhà ở đều được các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quan tâm giải đáp một cách kịp thời, không phát sinh các trường hợp khiếu nại nhiều lần. Công tác nghiệm thu hoàn thành, cấp phát kinh phí được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về việc hướng dẫn quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 6.628 hộ người có công (ảnh minh họa)
Có thể nói, việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo tâm lý phấn khởi chung của toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo, đền ơn đáp nghĩa cho người có công với cách mạng đang khó khăn về nhà ở; củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Quá trình triển khai thực hiện nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân; việc vận động, hướng dẫn hộ gia đình người có công tích cực tham gia cùng Nhà nước và cộng đồng trong việc xây dựng nhà ở cho chính mình đã tạo nên sự chủ động, tự tin để vươn lên của các hộ gia đình. Với thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; việc kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, xã hội khác đã phát huy hiệu quả chính sách.
Song bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg như: Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về hỗ trợ nhà ở đối với người có công của một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng. Việc rà soát, lập danh sách chưa kỹ dẫn đến còn nhiều hộ gia đình người có công với cách mạng chưa nắm bắt đầy đủ thông tin để đề nghị hỗ trợ xây, sửa nhà kịp thời, đúng quy định. Còn trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khả năng huy động kinh phí hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí hỗ trợ; có hộ gia đình chờ tuổi làm nhà hoặc có vướng mắc về đất đai, quy hoạch… nên tại một số thời điểm việc triển khai thực hiện chính sách kết quả đạt được chưa cao.
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg việc thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở dự kiến thực hiện trong năm 2014-2015 và không quy định cụ thể thời gian kết thúc. Quá trình tiến hành rà soát số lượng người có công với cách mạng có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở tăng cao dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách. Nhưng theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017 của Chính phủ, đối với Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hải Dương (giai đoạn 2) được phê duyệt tại Quyết định số 2386A/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 và được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thẩm tra tại Văn bản số 2750/LĐTBXH-NCC ngày 05/7/2017, địa phương chủ động bố trí nguồn từ ngân sách hàng năm và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện hỗ trợ gặp khó khăn. Điều kiện của một số hộ gia đình người có công còn khó khăn và chất lượng nhà ở đa phần đa phần đã xuống cấp dẫn đến làm phát sinh, điều chỉnh thay đổi hình thức từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại, kéo theo khó khăn trong công tác quản lý theo dõi, đề xuất kinh phí hỗ trợ.
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg việc thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở dự kiến thực hiện trong năm 2014-2015 và không quy định cụ thể thời gian kết thúc. Quá trình tiến hành rà soát số lượng người có công với cách mạng có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở tăng cao dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện chính sách. Điều kiện của một số hộ gia đình người có công còn khó khăn và chất lượng nhà ở đa phần đa phần đã xuống cấp dẫn đến làm phát sinh, điều chỉnh thay đổi hình thức từ sửa chữa sang xây mới và ngược lại, kéo theo khó khăn trong công tác quản lý theo dõi, đề xuất kinh phí hỗ trợ. Để góp phần ổn định cuộc sống cho một bộ phận người có công với cách mạng và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được sử dụng nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương đã cấp cho địa phương theo Đề án đã phê duyệt giai đoạn 1 còn dư để cấp hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người có công đủ điều kiện theo quy định của chính sách để đối tượng không phải chờ đợi bố trí từ nguồn ngân sách địa phương./.
 
Đỗ Thị Phượng
 
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024