Năm 2010, khi có trong tay nguồn vốn ông lên kế hoạch cụ thể thành lập Công ty CP Thương mại và Vận chuyển hành khách Ngọc Sinh. Đến nay, công ty đã có 4 xe chở khách tuyến Hải Dương-Gia Lâm (Hà Nội) và 2 xe phục vụ du lịch, vốn hoạt động lên đến hơn 2 tỷ đồng. Mỗi ngày, hàng chục lượt xe qua lại, phục vụ đủ nhu cầu đi lại của người dân trong vùng. Với sự nỗ lực và cố gắng của ông, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, hãng xe khách Ngọc Sinh đã tạo được uy tín với khách hàng và là sự lựa chọn hàng đầu của người dân các xã khu C của huyện Kim Thành. ..
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Sinh thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Mỗi năm, ông dành hàng chục triệu đồng để ủng hộ các hoạt động xã hội của địa phương. Mới đây, ông đã ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" của huyện Kim Thành 10 triệu đồng.
Hay ông Đào Công Phán hội viên Hội HNM xã Hiệp Lực-Ninh Giang là thương binh chống Mỹ với mức thương tật 91% bị hỏng 1 mắt, mắt còn lại chỉ nhìn thấy lờ mờ, các ngón chân phải co quắp. nhận thấy nhiều người dân thích chơi gà chọi, ông Phán đã tới xã Đồng Tâm (Ninh Giang) để học cách nuôi gà chọi. Đến nay, ông đã trở thành một người “luyện” gà chọi có tiếng ở Hồng Dụ và những khu vực xung quanh. Hiện nay, mô hình nuôi gà chọi, gà lai chọi, gà tre, vịt, thỏ và trồng cây vụ đông nhà ông Phán thu về hơn 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 50-60 triệu đồng. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm ông Phán cùng các hội viên của Hội người mù xã vận động nguồn xã hội hoá để thành lập quỹ hội, lấy quỹ cho hội viên vay. Hiện nay, Hội người mù xã Hồng Dụ đã cho 2 hội viên vay với tổng số vốn 23,5 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn theo kênh của Hội người mù uỷ thác 100 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 6 hội viên vay để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội người mù xã đã tích cực vận động hội viên vay các nguồn vốn khác nhau để phát triển kinh tế.
Từ năm 2007 đến nay, Hội người mù tỉnh Hải Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện 150 dự án (trong đó có 136 dự án nhóm hộ và 14 dự án sản xuất kinh doanh dịch vụ) với tổng dư nợ tại Ngân hàng chính sách xã hội tính đến tháng 12/2017 là hơn 2,2 tỷ đồng (trong đó, 400 triệu nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh của tỉnh cấp, 150 triệu không thu lãi từ nguồn của ủy ban MTTQ tỉnh).
Qua kiểm tra chương trình vay vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm các dự án của Trung ương Hội người mù Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã đánh giá, ghi nhận các dự án vay vốn của Hội người mù tỉnh Hải Dương thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả, đến hạn 100% các đơn vị, hội viên trả đủ cả gốc và lãi, không có nợ đọng hay chậm trả, đáp ứng nhu cầu làm kinh tế gia đình của hội viên sản xuất kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng gắn với chương trình cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của Nhà nước và chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Đây là môi trường thuận lợi để người mù rèn luyện sức khỏe, tinh thần, nâng cao năng lực quản lý. Nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm là động lực giúp người mù giảm nghèo vươn lên. Hội viên ngày càng gắn bó với hội.
Phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn được vay
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hội viên chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc vận động, mặt bằng văn hóa của người mù thấp dẫn đến hạn chế trong tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh…
Mặt bằng để mở các cơ sở sản xuất dịch vụ còn gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết phải đi thuê mượn (mới có 3/12 đơn vị được cấp mặt bằng), trang thiết bị còn thiếu, mặt hàng còn nghèo nàn thiếu tính cạnh tranh, thị trường chưa mở rộng, chủ yếu dựa vào thị trường nhân đạo, qua ngành giáo dục và tổ chức đoàn thể. Trình độ cán bộ một vài đơn vị chưa đồng đều còn ỷ lại, có tư tưởng trông chờ, chưa thực sự sâu sát nắm chắc đời sống hội viên. Do vậy chưa đề ra được kế hoạch, biện pháp sát với thực tế để giúp đỡ hội viên.Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh…
Trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Văn Tuần cho biết: Hội sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn hội viên hiểu rõ mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng để thực hiện tốt “Chương trình hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2007-2017”. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu của chương trình; sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng mô hình gương điển hình tiên tiến.
Hội người mù Hải Dương cũng đề nghị với Trung ương Hội người mù Việt Nam, UBND tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội hằng năm bổ sung nguồn vốn mới, nâng mức cho vay và hạ lãi suất đáp ứng nhu cầu làm kinh tế của hội viên và các cơ sở sản xuất dịch vụ của Hội. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tốt các dự án hiện có, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn được vay, tiếp tục giữ vững thành tích là đơn vị quản lý vốn vay tốt, đúng mục đích, đúng đối tượng, không có nợ đọng, chậm trả…
Hội người mù Hải Dương hiện có 3.126 hội viên trong đó có 1.870 hội viên nữ sinh hoạt tại 233 chi hội phường, xã, thị trấn, 14 Hội người mù cấp xã và 36 chi hội người mù thôn.