Hà Tĩnh khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo
(LĐXH)- Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo và trở nên khá giả, trong đó, đương nhiên có Hà Tĩnh.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của sự cố môi trường biển và thiên tai khắc nghiệt, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân nỗ lực cao trong thực thi chính sách và huy động nguồn lực đề thực hiện hiệu quả chương trình. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, công nghệ kỹ thuật, tài nguyên đất đai, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm nghèo; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập, phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc, chủ hộ là người khuyết tật khi vay vốn sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm, cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp; tăng cường công tác nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và cán bộ ở các xã nghèo; phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm, tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm.
Mô hình nuôi gà do Hội Nông dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh, cho biết: Ngay từ đầu giai đoạn, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đồng thời tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Hà Tĩnh đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời hỗ trợ thực hiện được hàng trăm mô hình phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhìn chung, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn; các mô hình được xây dựng trên cơ sở đề xuất của người dân, thống nhất của chính quyền cấp xã và phê duyệt của cấp huyện; có cơ chế thu hồi một phần vốn hoặc hiện vật để luân chuyển cho nhiều hộ được tham gia. Các hộ tham gia đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đồng thời phải góp một phần kinh phí đối ứng và có cam kết phấn đấu thoát nghèo khi kết thúc chu kỳ hỗ trợ, nên đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của hộ nghèo.
Chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được thể chế hóa thông qua nhiều Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ kịp thời nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương, các cấp chính quyền địa phương, nguồn lực xã hội hóa và gắn trách nhiệm của người dân ngay từ đầu nhiệm kỳ, với 10 chính sách chung và 5 dự án đặc thù, tổng kinh phí 7.400 tỷ đồng.
Hộ nghèo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhận hỗ trợ bò xóa đói giảm nghèo
Hà Tĩnh là địa phương tiên phong, làm tốt công tác xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, thu nhập cho hộ nghèo thuộc nhóm bảo trợ xã hội, người có công là thành viên hộ nghèo, đảm bảo mức sống tối thiểu của đối tượng cao hơn mức chuẩn nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 3% (cuối năm 2020) giảm 8,4% so với đầu nhiệm kỳ (Bình quân hàng năm giảm 1,68%); hộ cận nghèo 4,00%, giảm 4,4% so với đầu nhiệm kỳ.
Giám đốc Sở Lao động - TBXH Nguyễn Trí Lạc, cho biết thêm: Nhờ thực hiện tốt chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, Hà Tĩnh hiện nay không còn huyện nghèo, còn 3/8 xã biên giới, 13 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chương trình 135. Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang còn ở mức cao. Vì vậy rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Giai đoạn 2016 – 2020, Hà Tĩnh phấn đấu duy trì, hoàn thành kết quả 9 chỉ tiêu giảm nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chí Tâm
TAG: