An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Tĩnh: Hiệu quả bước đầu từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
11:22 AM 04/12/2023
(LĐXH)- Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, qua đó giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi gà tại huyện Thạch Hà

Nội dung hỗ trợ chủ yếu như: Hỗ trợ xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ  phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh; Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, mục tiêu của Chương trình giảm nghèo và quy định của pháp luật.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 61 mô hình giảm nghèo (mỗi mô hình có 10 - 15 hộ gia nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia) được triển khai với tổng kinh phí 43.676 triệu đồng (ngân sách trung ương: 39.791 triệu đồng, ngân sách địa phương: 3.885 triệu đồng). Tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh có 20 mô hình được triển khai, với tổng kinh phí đã giải ngân 4.684 triệu đồng (ngân sách trung ương: 4.533 triệu đồng, ngân sách địa phương: 151 triệu đồng).

Ngoài được hỗ trợ gà giống, hộ nghèo còn được hỗ trợ vật tư thức ăn chăn nuôi

Ông Từ Hữu Yên, Phó trưởng Phòng Lao động – TBXH huyện Thạch Hà cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện Thạch Hà quan tâm công tác rà soát hộ nghèo, phân loại từng nhóm đối tượng gồm nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, nhóm hộ nghèo không có khả năng lao động và nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Theo đó, đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, huyện tập trung hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động. Từ đầu năm nay đến nay, huyện đã tổ chức được 07 lớp đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số 260 người tham gia, gồm các nghề: chăn nuôi, nấu ăn, dịch vụ nhà hàng, làm đẹp.

Đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương hỗ trợ tăng thu nhập theo Nghị quyết 72 của tỉnh, đặc biệt vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ làm nhà ở, từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ xây dựng được 73 nhà, bình quân mỗi nhà 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ mô hình sinh kế giảm nghèo. Từ năm 2021 đến nay, huyện Thạch Hà đã thực hiện 06 dự án phát triển sản suất cộng đồng tại 6 xã (mô hình chăn nuôi gà), với 135 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Ngoài gà giống, các hộ còn được hỗ trợ thức ăn cho gà, thuốc phòng dịch và hóa chất khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi. Kinh phí hỗ trợ nằm trong Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.055 triệu đồng; vốn đối ứng của người dân hơn 40% tổng giá trị dự án.
Hộ nghèo ở huyện Can Lộc được hỗ trợ sinh kế chăn nuôi bò
Còn tại huyện Can Lộc, thời gian qua, các mô hình sinh kế được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giúp nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức trên hành trình thoát nghèo.
Gia đình anh Phạm Quang Đính (SN 1968) ở thôn Tân Phú, xã Phú Lộc là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, tháng 8/2023, gia đình anh được hỗ trợ 65 con gà giống và lượng thức ăn cho gà trong tháng đầu tiên; được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Mong muốn có thêm nguồn thu cải thiện đời sống gia đình, đồng thời thể hiện quyết tâm thực hiện tốt mô hình, vợ chồng anh đã dồn sức chăm sóc đàn gà.
Anh Đính chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ già đau ốm liệt giường, con cũng không được mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác nên dù có cố gắng mưu sinh, gia đình anh vẫn đang là hộ cận nghèo. Được sự hỗ trợ sinh kế, trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh của cán bộ thú y nên tỷ lệ gà phát triển khá cao. Hiện tại, sau gần 3 tháng, gà đã có trọng lượng trung bình trên 2,5 kg/con, giúp gia đình sắp có một nguồn thu nhập đáng kể.
Chị Trần Thị Bích, Trưởng Phòng Lao động – TBXH huyện Can Lộc cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, căn cứ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ hàng năm, huyện đã kịp thời phân bổ cho các địa phương để triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đang được triển khai tại 4 xã trên địa bàn huyện Can Lộc gồm: Phú Lộc, Vượng Lộc, Gia Hanh, Khánh Vĩnh Yên với 2 dạng mô hình: nuôi bê con và nuôi gà, gồm 143 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước là 800 triệu đồng, bao gồm hỗ trợ con giống, thức ăn và chuyển giao các kiến thức khoa học kỹ thuật phòng chống dịch bệnh. Qua kiểm tra cho thấy, các mô hình sinh kế đang được bà con chăm sóc chu đáo và phát triển tốt. Cùng với nỗ lực của địa phương và các ban ngành, đoàn thể trong mục tiêu chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, nguồn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế đã trao niềm hy vọng, tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa