Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hà Tĩnh đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
10:43 AM 08/02/2019
(LĐXH)- Xác định việc đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng suất, chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được kết quả nổi bật.
Với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, năm 2018, kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp tăng 5,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tương đương 2.217 USD (bình quân chung cả nước là 2.540 USD).
Hà Tĩnh hiện có dân số gần 1,3 triệu người, trong đó số lao động trong độ tuổi chiếm trên 86,56%, số lao động tăng hàng năm bình quân từ 12 - 13 nghìn người. Để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, tỉnh đã tập trung thực hiện qui hoạch, thể chế hóa và triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch và tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Nhiều học sinh THPT ở Hà Tĩnh đã chọn học nghề sau khi tốt nghiệp
Theo đó, Hà Tĩnh đã thực hiện sáp nhập toàn bộ các trung tâm cấp huyện thành một trung tâm dạy nghề duy nhất và gắn hoạt động các trung tâm cấp huyện với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn; đẩy mạnh tự chủ cho các trường gắn với phát triển các trường tư thục để tạo ra thị trường cạnh tranh. Thực hiện sáp nhập Trung tâm GDNN Hồng Lĩnh vào trường Trung cấp Kỹ nghệ; sáp nhập Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên thành phố Hà Tĩnh vào Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở GDNN, gồm 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 4 trung tâm GDNN, 10 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 1 cơ sở GDNN khác. Triển khai thực hiện Đề án sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp theo Chương trình hành động số 1011-CTr/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 chỉ còn 2 cơ sở GDNN (2 trường cao đẳng) công lập thuộc tỉnh, đến năm 2025 chỉ còn 1 cơ sở GDNN (1 trường Cao đẳng) công lập thuộc tỉnh, tiếp tục sát nhập các trung tâm cấp huyện hoạt động theo cơ chế vệ tinh cho trường cao đẳng.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những chính sách đột phá của tỉnh, trên cơ sở thể chế hóa các qui dịnh của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, lồng ghép nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm dạy nghề... Qua đó, đảm bảo thực hiện chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, thực hiện chính sách vay vốn, tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất, người nghèo, lao động là người khuyết tật, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bộ đội, công an xuất ngũ, người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Trong năm, toàn tỉnh đã mở được 146 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 4.000 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh cho 7.812 người với tổng kinh phí 26,18 tỷ đồng (đào tạo nghề nông nghiệp 3.254 người, phi nông nghiệp 4.558 người).
Tiếp đến, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về Dạy nghề cho lao động nông thôn, trường chất lượng cao, ngành trọng điểm, nghề trọng điểm. Trong năm 2018, các cơ sở GDNN đã được đầu tư từ các chương trình, dự án với tổng kinh phí 63,49 tỷ đồng; trong đó, kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1 tỷ đồng, Dự án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp 17 tỷ đồng, Dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ sát hạch lái xe ô tô (Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh) 3,89 tỷ đồng, Dự án “Chương trình đào tạo nghề 2011 - dự án thành phần 2” do CHLB Đức tài trợ cho Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức (Hà Tĩnh) 41,6 tỷ đồng.
Các cơ sở GDNN đã quan tâm đầu tư thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học
Ngoài ra, Sở Lao động – TBXH còn tham mưu UBND tỉnh điều chuyển thiết bị dạy nghề hàn, may công nghiệp từ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và Giáo dục thường xuyên tỉnh về trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh để tăng cường năng lực đào tạo nghề cho nhà trường. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có 5 người trình độ tiến sĩ (chiếm 0,6%), 2 nghiên cứu sinh, 173 thạc sĩ, 499 đại học, 11 cao đẳng, trình độ khác là 129 người.
Có thể khẳng định, công tác GDNN ở Hà Tĩnh ngày càng nâng cao về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều ngành, nghề đào tạo được coi là “hot” ở tỉnh có tỷ lệ có việc làm cao sau đào tạo như: hàn, chế biến món ăn, sửa chữa điện công nghiệp và dân dụng… thu hút nhiều học viên theo học. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tổ chức đào tạo 54 ngành, nghề với tổng số 28.780 lượt người, trong đó tuyển mới 18.880 người (đạt 105% so với kế hoạch), gồm: 1.210 người trình độ cao đẳng, 4.520 trình độ trung cấp, 13.150 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã mở được 146 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 4.000 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển...
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60,7% (cả nước 58,6%), trong đó số có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,5% (cả nước 23,5%). Ngoài ra, chỉ tính riêng sau 4 năm thực hiện mô hình thí điểm đào tạo trình độ Trung cấp nghề trong trường phổ thông, Hà Tĩnh đã tuyển sinh đào tạo trên 10 ngàn lượt học sinh, các em sau khi tốt nghiệp đủ điều kiện là lực lượng lao động kỷ thuật tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước và tiếp tục học các bậc học cao hơn. Đây là mô hình có tác dụng rất tốt trong công tác phân luồng hướng nghiệp nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của phụ huynh, học sinh và thị trường lao động.
Nhìn chung, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Hà Tĩnh đã và đang từng bước đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Thị xã Ngã Năm: Đột phá trong công tác tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo bền vững
Đồng Tháp: Tăng cường các hoạt động sàn giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc trong và ngoài nước
Sóc Trăng: Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững
 Tiền Giang: Đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm cho người lao động
Nam Định: Đa dạng các phiên giao dịch việc làm cho người lao động
TP.HCM: Tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo