An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần xây dựng nông thôn mới
02:39 PM 27/09/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội đã thường xuyên bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để chủ động tham mưu và tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND thành phố Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân giai đoạn 2021-2025”, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã phối hợp với các phòng, ngành, cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội gắn với triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy trên địa bàn,  đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tập trung nguồn vốn và triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình số 04 đã đề ra.
Theo báo cáo của NHCSXH Hà Nội, đến 31/8/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH Hà Nội đạt 13.686 tỷ đồng, tăng 912 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương điều chuyển là 4.203 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% trên tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 7.203 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 52% trên tổng nguồn vốn, hoàn thành 57% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023.
Một phiên giao dịch của NHCSXH tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Về kết quả cho vay, 8 tháng đầu năm 2023 doanh số cho vay của NHCSXH Hà Nội đạt 3.627 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 2.732 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 13.626 tỷ đồng với 262.525  khách hàng đang vay vốn, tăng 895 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7%, hoàn thành 91% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2023, Chi nhánh đã giải ngân cho 76.058 lượt khách hàng vay vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm 56.318 lượt khách hàng, góp phần thu hút gần 56.400 lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 19.458 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới 38.900 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 85 lượt khách hàng vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và 5 lượt khách hàng để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; cho vay đối với 20 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, 107 khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh đến 31/8/2023 là hơn 3,15 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,023% trên tổng dư nợ.
Ngân sách Thành phố đã dành riêng nguồn vốn để cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
Cán bộ NHCSXH huyện Đan Phượng (Hà Nội) kiểm tra việc sử dụng vốn tín dụng chính sách
ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.
Kết quả cho vay trong  6 tháng đầu năm 2023 như sau: Dư nợ cho vay đến 30/06/2023 đạt 1.440 tỷ đồng với 29.900 khách hàng đang vay vốn, đạt tỷ lệ 100% trên tổng nguồn vốn ủy thác, dư nợ bình quân là 48 triệu đồng/lao động, không có phát sinh nợ quá hạn. Nguồn vốn cho vay chủ yếu trong ngành nông nghiệp gồm chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; Ngành dịch vụ, kinh doanh, thương mại  liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; Ngành chế biến, sản xuất sản phẩm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.
Về cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn 18 huyện, thị xã, NHCSXH đã hỗ trợ kinh phí cho 16.500 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 33.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; đồng thời nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho vay trên địa bàn 18 huyện, thị xã đã hỗ trợ 24.300 lượt khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 25.000 lao động trên địa bàn thành phố.   
Có thể khẳng định, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thành phố đã thực sự đi vào cuộc sống, kịp thời được giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn các huyện, thị xã, từ đó ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Tiến Quyền, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ
sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi, tạo việc làm cho 8 lao động địa phương.
 Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo NHCSXH Hà Nội, nguồn vốn cho vay trong năm 2023 chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn. Theo kết quả rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, nhu cầu vay vốn của Chương trình số 04-CTr/TU  tại 18 huyện thị xã là 17.280 người lao động, với mức vay bình quân khoảng 60 triệu đồng thì tổng nhu cầu vay vốn là 1.036 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn được cân đối từ ngân sách Thành phố năm 2023  là 365 tỷ đồng, trong đó: bổ sung nguồn vốn cho vay là 40 tỷ và từ nguồn vốn thu hồi là 325 tỷ đồng. Sở LĐTBXH đã đề xuất UBND TP cân đối, bổ sung 400 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu cho vay thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU.
Về nguồn vốn cho vay giai đoạn 2023-2025, theo Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngân sách thành phố bố trí bổ sung cho Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội để cho vay thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU hàng năm khoảng 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2023 UBND Thành phố đã chuyển bổ sung 440 tỷ, như vậy nguồn vốn còn thiếu theo kế hoạch cần tiếp tục bổ sung trong giai đoạn 2023-2025 là 1.560 tỷ đồng.
Chính vì vậy, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội mong muốn UBND Thành phố tiếp tục quan tâm chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH thành phố theo Kế hoạch số 227 của UBND Thành phố nêu trên để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, góp phần thực hiện  thắng lợi Chương trình số 04-CTr/TU, trong đó năm 2023 đề nghị bổ sung 400 tỷ đồng; năm 2024 và 2025 bổ sung 1.200 tỷ đồng.
Với nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Nguyễn Thị Sơn, xã Thượng Mỗ,
huyện Đan Phượng, Hà Nội đã mở rộng qui mô vườn bưởi, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Chương trình số 04 là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô. Hà Nội ngày càng có nhiều huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, Hà Nội đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Dự kiến đến hết năm 2023 lũy kế thành phố có tổng số 172 xã nông thôn mới nâng cao, tăng 16 xã so với mục tiêu cả giai đoạn đến năm 2025. Nông thôn Hà Nội có cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; bộ mặt nông thôn ngày càng thay da đổi thịt; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư và cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, NHCSXH Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người dân có thêm nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới có hiệu quả tại các địa phương./.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn