Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hà Nội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp
11:33 AM 20/09/2023
(LĐXH)- Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo toàn diện các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tích cực triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), phát luật công đoàn nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 154 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 315 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 148.900 doanh nghiệp dân doanh và 5.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khoảng 2,7 triệu người.
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo toàn diện các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), phát luật công đoàn nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tập trung tuyên truyền các nội dung và đối tượng gồm: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động, BHXH (như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền công, bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động...) cho lãnh đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ nòng cốt và các tuyên truyền viên, hòa giải viên lao động quận, huyện, thị xã.

Quang cảnh một Hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật lao động và BHXH do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức.

Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động, BHXH và các pháp luật có liên quan khác cho các đối tượng là đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động được các doanh nghiệp cử đi tập huấn là hạt nhân tuyên truyền cho mọi người lao động trong doanh nghiệp;  Tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Hướng dẫn cho các hòa giải viên lao động về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động trên địa bàn Thành phố và pháp luật khác có liên quan.
Tổ chức đào tạo kiến thức pháp luật và kỹ năng thương lượng tập thể cho hòa giải viên của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố giúp nâng cao năng lực và kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên lao động.
 Đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi xây dựng và thương lượng thỏa ước lao động tập thể;  Phổ biến Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các văn bản liên quan cho các quận, huyện, thị xã để tập huấn cho cán bộ phường, xã, thị trấn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH được thực hiện theo phương thức sau: Tổ chức các lớp tập huấn, đối thoại chuyên đề về chính sách pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; Hướng dẫn, tư vấn thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp; Hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động thông qua việc giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công; Tuyên truyền trên báo của trung ương và Hà Nội về chính sách pháp luật lao động, tiền lương, việc làm, bảo hiểm xã hội...

Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn Thành phố (mỗi năm tổ chức 03 lớp với sự tham gia của gần 700 đại diện người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác lao động, tiền lương – BHXH tại doanh nghiệp).

Thông qua các buổi tuyên truyền, đối thoại đã giúp người sử dụng lao động và người lao động có cách nhìn đúng đắn hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong việc thực hiện nghĩa vụ BHXH, tránh những rủi ro có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và hệ lụy cho doanh nghiệp do thực hiện chưa đúng chính sách về BHXH. Qua đó, giúp cho người sử dụng lao động, người lao động thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.

Ngoài ra, trong hơn 4 năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến nhằm trang bị kiến thức pháp luật về lao động cho sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố với sự tham gia gần 4.000 sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp làm hành trang cho các em khi mới tham gia vào thị trường lao động.

Cùng với đó, Sở đã phối hợp với Hội Kiểm toán viên Việt Nam tổ chức 02 lớp đào tạo online chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH cho các kiểm toán viên ở nhiều tỉnh thành; Tuyên truyền, hướng dẫn thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật; Thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động bằng hình thức đưa các nội dung tuyên truyền chạy trên bảng điện tử tại các phiên giao dịch việc làm hằng ngày tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các phiên giao dịch việc làm chuyên đề và phiên lưu động tại các quận huyện. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các quy định mới của pháp luật thuộc lĩnh vực ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lên Cổng thông tin điện tử của ngành để các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thuận lợi.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trực tiếp qua điện thoại về một số nội dung mới của Bộ luật Lao động 2019. Đặc biệt là hướng dẫn trực tiếp người sử dụng lao động thông qua việc hướng dẫn xây dựng lại Nội quy lao động theo các quy định mới của pháp luật. Bình quân mỗi năm hướng dẫn cho khoảng trên 1.000 lượt đơn vị (trong đó nhiều đơn vị được hướng dẫn bằng văn bản dưới hình thức thông báo sửa đổi, bổ sung những điểm chưa phù hợp với pháp luật lao động sau khi đơn vị gửi hồ sơ đăng ký Nội quy lao động)./.

Thảo Lan

 

 

TAG: nâng cao nhận thức về pháp luật lao động
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật