Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tuy nhiên, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em.
Báo cáo của thành phố Hà Nội tính đến giữa năm 2019, Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số; trong đó, 12.533 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em; 54.545 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… Trước những diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, toàn thành phố hiện có 10.916 cộng tác viên làm công tác trẻ em. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều được đưa vào các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm.
Song để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Số liệu thống kê chỉ từ tháng 1/2015 – 6/2019, trên địa bàn thành phố có 322 trẻ bị xâm hại với các hình thức khác nhau. Tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại được quan tâm. Trẻ trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ.
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, Hà Nội tập trung trang bị kiến thức, bổ sung kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em cho các đối tượng liên quan thông qua nhiều hình thức. Riêng tại Trung tâm Dịch vụ Công tác xã hội, trong năm 2019 đã triển khai 14 hội nghị bổ sung kỹ năng sống cho 1120 trẻ em trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Quốc Oai với chủ đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ứng Hòa triển khai hội nghị bổ sung kiến thức, kỹ năng cho 120 trẻ em về “Phòng, chống xâm hại trẻ em” trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em 2019 và hội nghị tập huấn cho 355 cộng tác viên làm công tác trẻ em với nội dung “Kỹ năng của cộng tác viên bảo vệ trẻ em trong tham gia hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Trong quá trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và bị xâm hại khi quản lý trường hợp, Trung tâm cung cấp các kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em cho trẻ em, cha mẹ, chính quyền địa phương. Theo đó, các kiến thức, kỹ năng được bổ sung hướng tới:
+ Đối với trẻ em: trang bị kiến thức, bổ sung kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, quyền và nghĩa vụ của trẻ em theo Luật trẻ em 2016, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trên môi trường mạng, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em.
+ Đối với đối tượng khác: Cung cấp thông tin quy định của pháp luật về xâm hại trẻ em, quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định Nghị định 56/2017/NĐ-CP, quy trình giải quyết trẻ em bị bỏ rơi theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP, quy trình, thủ tục tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi vào cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP, Nghị định 103/2017/NĐ-CP, các quy định về chăm sóc thay thế theo Luật trẻ em 2016, Luật nuôi con nuôi 2010, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, nội dung về trẻ em liên quan Luật tạm giam, tạm giữ 2015, Nghị định 167/2013/NĐ-CP trong đó có nội dung xử phạt hành chính về các hành vi bạo lực gia đình, Nghị định 144/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Kết quả tác động đối với nhận thức và hành động của trẻ trong nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân; tác động đối với gia đình, nhà trường và xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bản thân trẻ em hiểu được các khái niệm về xâm hại trẻ em, thực trạng, các hình thức xâm hại, dấu hiệu nhận biết nguy cơ xâm hại, hậu quả của xâm hại trẻ em, khái niệm về giới và giới tính, nhận diện hành vi bạo lực, các hình thức, hậu quả của bạo lực giới, nắm được nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng, các nguy cơ gây tai nạn thương tích, các nhóm quyền, quyền và bổn phận của trẻ em. Sau khi được trang bị, bổ sung kỹ năng các em áp dụng được các kiến thức trong việc thực hành kỹ năng xử lý tình huống giảm thiểu nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em. Đối với gia đình, nhà trường, xã hội, nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng chống xâm hại, bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em, tuân thủ đúng quy định pháp luật về thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến trẻ em.
Trần Huyền