Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hà Nội: Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm
12:08 PM 02/02/2018
Ngày 23/1 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về phòng chống mại dâm trên địa bàn thành phố năm 2018, với mục tiêu là tạo sự đồng thuận, quyết tâm và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; giảm tụ điểm phức tạp về mại dâm, giảm tác hại của hoạt động mại dâm, hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm; Bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu trong năm 2018 là phát hiện, khám phá, xử lý hình sự 150 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; xét xử 120 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm. Triệt xóa 2 tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ và tại địa bàn công cộng; không để tái hoạt động đối với 21 tụ điểm mại dâm nơi công cộng đã triệt xóa từ năm 2009 đến năm 2017. Tăng cường phối hợp của các Sở, ngành trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; xây dựng mới và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm tại 55 xã, phường, thị trấn; thí điểm mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Xây dựng, duy trì 80% tổng số xã, phường, thị trấn (470/584 xã, phường, thị trấn) không có tệ nạn mại dâm. Đồng thời hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho 6 người bán dâm, giúp họ ổn định cuộc sống và không tái vi phạm hoạt động bán dâm.
Thành phố cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn
Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, UBND Thành phố đã đưa ra các giải pháp như đẩy mạnh cộng tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phòng, chống mại dâm nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã; Xây dựng triển khai mô hình trợ giúp người bán dâm tại cộng đồng; Nâng cao năng lực bộ máy phòng, chống mại dâm các cấp… Đồng thời, Thành phố cũng đã phân công trách nhiệm vụ thể đến các sở, ngành, đoàn thể và UBND các cấp trong công tác phòng, chống  mại dâm, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Cùng ngày 23/01/2018, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018. Với mục tiêu phát huy vai trò của các ngành trong việc phối hợp kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm. Kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của Pháp luật. Hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp phòng, chống mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại Thủ đô.
Năm 2018, Đội kiểm tra liên ngành 178 Thành phố kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm tại 60 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định tại Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ. Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã tích cực kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định trong công tác phòng, chống mại dâm.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật, các điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra việc sử dụng lao động, chấp hành quy định của Luật Lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động trong một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cam kết của chủ cơ sở với các ngành chức năng về việc không để xảy ra hoạt động mại dâm tại cơ sở; chấp hành đúng các quy định trong kinh doanh sản phẩm văn hóa…
Thành phố cũng đưa ra các giải pháp cụ thể: Chú trọng các địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội; Tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tính chất phức tạp tại địa phương; Tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra tại các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh dịch vụ do người nước ngoài đầu tư; Các loại hình kinh doanh dịch vụ massage, bar rượu mạnh, gội đầu thư giãn, cà phê đèn mờ... có biểu hiện hoạt động mại dâm trá hình và nghi tổ chức kích dục, trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã tích cực kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại không để xảy ra tình trạng hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý.
Thúy Lê
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật