An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hà Nội: Sẽ đầu tư 750 tỷ đồng để xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm
03:19 PM 26/02/2020
(LĐXH) – Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm…
Tình trạng ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, nhất là chất thải rắn ở một số làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng gia tăng, đe dọa lớn tới hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tạo ra những bước chuyển trong công tác bảo vệ môi trường.
Đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm
Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Để thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Cụ thể, môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.
Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức. Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề cấp cơ sở; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề; khuyến khích các hoạt động sản xuất hướng tới xây dựng làng nghề sinh thái thân thiện với môi trường; ...
Đồng thời hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại để bổ sung vào phụ lục 1 của Đề án BVMT làng nghề, tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương...
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững