An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Luật Bảo hiểm xã hội đã đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
09:26 AM 11/06/2017
(LĐXH)- Luật BHXH là một trong những chính sách an sinh xã hội lớn. Việc thực thi Luật BHXH có vai trò quan trọng trong như một cách để giữ chân người lao động, để người lao động yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài cho doanh nghiệp.

Hà Nội luôn chú trọng đến công tác tập huấn về BHXH

cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn

 Vì vậy, trong năm qua, cùng với việc phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố  Hà Nội đã quan tâm, tiếp cận và triển khai thực hiện tốt Luật BHXH. Sau hơn một năm thực hiện, Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách BHXH đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Số đơn vị và đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng
Trong năm qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền đa số người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn thủ đô đã nhận thức rõ các quy định của pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Một số nơi người lao động đã tự đấu tranh đòi quyền được tham gia, hưởng thụ các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH, do đó số đơn vị và đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng (năm 2016 tăng khoảng 16,5 % số đơn vị tham gia,  tăng 7,5%  số người so với 2015). Phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trước đây là doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc đóng, hưởng chế độ BHXH.

Công nhân lao động tại Công ty Cannon Việt Nam luôn được

đảm bảo tốt các chế độ chính sách an sinh xã hội, tiền lương và BHXH

Tính đến thời điểm cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 197.000 doanh nghiệp với 2,3 triệu lao động. Số lao động đã tham gia BHXH bắt buộc là 1.412.957 người, tăng 7.568 lao động so với cùng ký 2015. Báo cáo về tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cho thấy, năm 2016 số lao động nghỉ việc, chấm dứt HĐLĐ tại các doanh nghiệp là trên 40.000 người (tăng 25,89% so với năm 2015). Trong đó biến động lao động chủ yếu tập trung ở các Công ty TNHH nhà nước một thành viên thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và  những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dệt may, da, giầy, do đặc thù của tính chất công việc sử dụng nhiều lao động thời vụ. Tuy nhiên, về cơ bản số lao động chấm dứt HĐLĐ đều được doanh nghiệp chốt sổ BHXH, thanh toán các chế độ liên quan theo quy định của pháp luật lao động.

Hoạt động iao dịch "một cửa" tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính

của Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy (Hà Nội) luôn chú trọng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp

Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, Luật BHXH tại BHXH quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật BHXH cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Năm 2016, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp thực hiện tổng số trên 340 cuộc kiểm tra, thanh tra về chính sách pháp luật lao động, Luật BHXH. Đồng thời, thực hiện phân cấp chức năng quản lý nhà nước về lao động đối với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Ban quản lý khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc và UBND các quận huyện, thị xã trong việc đăng ký nội quy lao động, tiếp nhận thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, công tác kiểm tra về lao động, BHXH ... Nhờ vậy, số đơn vị nợ đọng và số tiền nợ đã giảm đáng kể (giảm khoảng 26,37% so với 2015). Trong quá trình kiểm tra, thanh tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (đặc biệt các lao động có hợp đồng từ 03 tháng đến dưới 12 tháng, được người sử dụng lao động ký hợp đồng dưới dạng hợp đồng khoán, hợp đồng cộng tác viên). Đoàn kiểm tra, thanh tra đã rà soát và yêu cầu doanh nghiệp thanh toán, chi trả chế độ BHXH cho các đối tượng kịp thời và đúng quy định; xử lý các doanh nghiệp vi phạm luật BHXH như trốn đóng, chậm đóng BHXH, khai man để trục lợi quỹ BHXH. Năm 2016, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 44 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền là 359,5 triệu đồng; đồng thời thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị những quy định mới của luật BHXH như quy định trả sổ BHXH cho người lao động giữ, đóng BHXH trên cơ sở tiền lương theo HĐLĐ của người lao động,

Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Người lao động luôn mong muốn được bảo đảm quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành Luật BHXH cũng còn những bất cập, hạn chế như: Nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật BHXH về trốn đóng, nợ đọng BHXH. Tổng hợp của cơ quan BHXH cho thấy, cuối năm 2016, còn 18.874 đơn vị nợ đọng BHXH nên người lao động tại các doanh nghiệp này khi nghỉ việc chưa được chốt sổ BHXH (trừ trường hợp doanh nghiệp có cam kết thực hiện lộ trình, thời gian thanh toán nợ đọng BHXH được đóng trước các trường hợp chấm dứt quan hệ lao động). Tính đến hết tháng 5/2017, số tiền nợ đọng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Hà Nội là gần 3.800 tỷ đồng... Cái khó hiện nay là nhiều doanh nghiệp, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành nghề xây dựng, giao thông do chưa có công trình, dự án nên chưa có kinh phí để đóng BHXH, BHYT cho người lao động, bên cạnh đó là các ngành nghề khác như chế tạo máy, may mặc cũng đang nợ đọng BHXH. Nguyên nhân chủ quan do chủ doanh nghiệp lợi dụng tiền chậm đóng BHXH vì mức xử phạt vi phạm chưa đủ răn đe và lãi suất chậm đóng BHXH thấp. Số lượng người lao động chưa tham gia BHXH cũng chiếm tỷ lệ lớn (tập trung chủ yếu trong khối doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nhà nước không nắm giữ vốn). Theo thống kê qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2016 tại các doanh nghiệp, con số này là trên 3.000 người. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp này sử dụng lao động chủ yếu là mùa vụ, cá biệt có doanh nghiệp ký hợp đồng lao động thời hạn từ 3 tháng trở lên nhưng vẫn không tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế do công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật còn dàn trải, chưa thật sự chuyên sâu và chưa được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt là việc các doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước về tình hình tăng giảm, biến động lao động trong doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong quá trình hoạt động nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh (hoặc chấm dứt hoạt động) nhưng không thực hiện báo cáo gây khó khăn trong công tác quản lý.

Tình trạng lợi dụng các quy định kẽ hở của pháp luật để trục lợi như: người lao động không nghỉ ốm, vừa đi làm vừa được đơn vị đề nghị thanh toán chế độ ốm đau vẫn diễn ra. Một số doanh nghiệp tư nhân đã đưa người nhà, người thân vào danh sách tham gia BHXH đủ 06 tháng để hưởng chế độ thai sản hoặc đơn vị không có phát sinh chi phí tiền lương nhưng có tham gia BHXH cho người lao động thậm chí doanh nghiệp bố trí những ngày nghỉ luân phiên của người lao động do hết việc nhưng vẫn đề nghị thanh toán chế độ nghỉ ốm. Một số doanh nghiệp áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương gửi cơ quan quản lý Nhà nước để tham gia chế độ BHXH còn tiền lương thực tế trả cho người lao động cao hơn mức lương trong thang bảng lương đã xây dựng.

Việc tham gia BHXH cho người lao động mùa vụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có biến động lao động thường xuyên như ngành may mặc, ngành da giầy, ngành xây dựng (nhân lực phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất kinh doanh phát sinh, mùa vụ...). Đồng thời làm gia tăng chi phí và nhân lực của doanh nghiệp để xử lý. Do thời gian người lao động  làm việc ngắn, có thể nghỉ việc trước khi nhận được sổ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, do số lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BHXH còn hạn chế, nhất là tại các quận, huyện, thị xã nên công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm chưa thực hiện được thường xuyên rộng khắp đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để thực hiện Luật BHXH hiệu quả

Hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính tại BHXH TP Hà Nội.

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật BHXH, từ đó góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH trên toàn thành phố xuống dưới 4%, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, ngành Lao động – TBXH Hà Nội đề xuất một số kiến nghị sau:

Về chính sách,  Khoản 2 Điều 18 Luật BHXH 2014 quy định "người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH". Tuy nhiên thực tế gặp phải khó khăn từ phía người lao động, đó là do ở ngoại tỉnh, chỗ ở không ổn định, dẫn đến có trường hợp mất sổ BHXH phải đề nghị cấp lại gây mất thời gian cho người lao động và cơ quan BHXH . Vì vậy, tại nhiều doanh nghiệp người lao động đã đề nghị doanh nghiệp quản lý hộ, như vậy sẽ không phù hợp quy định của Luật BHXH. Đề nghị Quốc Hội bổ sung quy định người lao động có thể ủy quyền cho tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hoặc chủ sử dụng lao động  quản lý hộ sổ BHXH để thuận tiện với điều kiện của người lao động.

Tại Điều 52 Luật BHXH quy định về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật. Tuy nhiên khái niệm “sức khỏe chưa phục hồi” chưa cụ thể nên gặp vướng mắc khi thực hiện. Đề nghị Chính phủ  có văn bản hướng dẫn cụ thể tiêu chí đánh giá "sức khỏe chưa phục hồi" hoặc quy định có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe chưa phục hồi làm căn cứ áp dụng.

Đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 87 Luật BHXH năm 2014 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định phương thức đóng BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm về sau. Đối với những trường hợp này đề nghị Chính phủ  hướng dẫn cho phép được đóng đến tháng đủ điều kiện hưởng chế độ không quy định bắt buộc phải đóng theo phương thức 3,6,12 tháng (không quá 05 năm). Vì quy định này sẽ hạn chế những người có khả năng đóng đủ một lần đến tháng đủ điều kiện hưởng.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quy định cơ chế xử lý nợ BHXH không có khả năng thu hồi của những đơn vị đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích để đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động, hoặc những trường hợp sau khi Tòa án xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật nhưng doanh nghiệp không có tài sản để thi hành án (nợ BHXH vẫn cứ “treo”, quyền lợi của người lao động vẫn không được đảm bảo).

Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm "Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b,c,h,l,m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Luật này".

Như vậy, các trường hợp còn lại của khoản 3 Điều 53 không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo, trong đó có trường hợp tại điểm i là "bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Việc làm quy định "trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan ban hành quyết định về việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải ban hành quyết định thu hồi số tiền đã chi sai". Thông tư không quy định xử phạt vi phạm, do đó dẫn đến khó khăn trong việc xác định thời gian này được bảo lưu hay không (đối với thời gian người lao động bị truy thu trợ cấp thất nghiệp do vi phạm nhưng không bị xử phạt) khi chốt sổ BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, một trong những điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là phải có tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ có tham gia BHXH, trừ trường hợp tạm hoãn HĐLĐ. Tuy nhiên thực tế phát sinh các trường hợp thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc đi làm nhưng số ngày công không đủ điều kiện để tham gia BHXH, BHTN. Như vậy sau thời gian trên nếu chấm dứt HĐLĐ sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ BHTN.

Vậy, đề nghị Bộ Lao động TB&XH hướng dẫn cụ thể các trường hợp trên để có cơ sở pháp lý khi xem xét, giải quyết chế độ đối với người lao động.

Mỹ Hạnh

TAG:
Tin khác
Hà Nội: Nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến bớt 'ngộp thở'
Hà Nội: Tàu điện trên cao cũng chen chúc
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết