An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hà Nội: Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
03:34 PM 27/06/2022
(LĐXH) - Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), thành phố Hà Nội cũng luôn quan tâm đảm bảo chế độ, quyền lợi đối với người lao động bị TNLĐ, BNN.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao quà hỗ trợ các công nhân bị TNLĐ nặng

Năm 2011, trong lúc đang lam việc, anh Trần Hồng Quân - công nhân Công ty Cổ phần Dệt 10-10 bị vận thăng hàng đột ngột rơi trúng làm dập nát một bàn tay. TNLĐ vừa gây đau đớn về thể xác, vừa làm xáo trộn cuộc sống, đẩy gia đình anh lâm vào cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn bởi anh đang là lao động chính của gia đình với mẹ già, vợ không có việc và hai con thì còn nhỏ. Rất may mắn cho anh, khi tai nạn xảy ra, anh đã được Công ty kịp thời cho đi điều trị, được hưởng chế độ TNLĐ và sau đó tiếp tục được bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, nên những nỗi mất mát, khó khăn về thể chất, tinh thần và kinh tế cũng phần nào được san sẻ.
Còn đối với Chị Nguyễn Thị Tin, công nhân vệ sinh môi trường Chi nhánh Hai Bà Trưng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần vẫn chưa hề nguôi ngoai sau gần nửa năm bị TNLĐ. Giữa tháng 12 năm 2021, khi đang đẩy xe rác, chị bị ô tô tông trọng thương rồi bỏ chạy. Chị được đồng nghiệp và người dân đưa vào bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh, chảy nhiều máu ở vùng đầu. Bác sĩ xác định bị rạn xương má, chảy máu não bên trái, phải phẫu thuật vùng đầu. Chị là lao động chính trong gia đình, chồng sức khỏe yếu, hai con đang tuổi đi học nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. May thay, khi bị TNLĐ, chị đã nhận được tiền hỗ trợ của LĐLĐ thành phố Hà Nội và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đồng nghiệp, bạn bè cũng thăm nom, giúp đỡ nhờ vậy mà lúc đó tôi yên tâm điều trị, dưỡng thương.
Hay như chị Phạm Thị Ánh cũng là công nhân vệ sinh môi trường Chi nhánh Hai Bà Trưng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng cảm thấy may mắn vì đã được Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đồng hành, chia sẻ rủi ro khi bị TNLĐ. Chị cho biết đêm 30/6/2021, khi đang làm việc chị bị va chạm với một xe ô tô. Vụ tai nạn khiến chị bị dập 2 bên phổi, gãy 5 xương sườn và xương đòn phải. Khi xảy ra tai nạn, chị được Ban lãnh đạo, các cấp Công đoàn Công ty và Chi nhánh thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời. Sau 2 tháng điều trị ổn định, chị được đưa đi giám định sức khỏe để giải quyết chế độ TNLĐ. Do bị mất 35% sức khỏe nên chị Ánh đang được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ hằng tháng.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều trường hợp được hưởng quyền lợi từ nguồn Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tích cực phối hợp với Sở LĐTBXH, Liên đoàn lao động thành phố và các doanh nghiệp để giải quyết các chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN. Từ nguồn quỹ này, cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố còn chi hàng tỷ đồng cho các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, giám định thương tật, huấn luyện ATVSLĐ… góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN.
Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, BHXH thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả, toàn thành phố đã có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động được hỗ trợ tổng số tiền trên 640 tỷ đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để chăm lo cho người lao động và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Thời gian qua, các cấp, ngành của Thủ đô cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân lao động bị TNLĐ cũng như thân nhân của họ nhằm san sẻ phần nào những thiệt thòi, khó khăn với người lao động. Nhân dịp Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, LĐLĐ thành phố Hà Nội trao 186 suất quà cho CNLĐ bị TNLĐ, BNN. Trong đó, có 100 suất quà trị giá 1,8 triệu đồng/suất cho CNLĐ bị TNLĐ, BNN nặng và 86 suất quà trị giá 1,3 triệu đồng/suất cho CNLĐ bị TNLĐ, BNN nhẹ. Những phần quà tuy còn khiêm tốn về số lượng và giá trị, nhưng đã phần nào thể hiện được sự quan tâm, động viên, chia sẻ và luôn đồng hành cùng với người lao động của các cấp Công đoàn Thủ đô.
Tại buổi gặp mặt, tặng quà cho các nạn nhân bị TNLĐ, BNN diễn ra vào chiều 26/5 vừa qua, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở tham mưu, giám sát, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, xây dựng môi trường làm việc an toàn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động. Đồng thời, mong muốn, động viên các công nhân bị TNLĐ, BNN hãy kiên cường vượt qua nghịch cảnh, vươn lên lao động, cống hiến và là những nhân tố lan truyền mạnh mẽ thông điệp về an toàn lao động, giúp các đồng nghiệp cùng rút ra bài học kinh nghiệm, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn lao động, phòng tránh TNLĐ và giúp chủ sử dụng lao động quan tâm làm tốt hơn tới công tác ATVSLĐ để mỗi ngày người lao động được đến nơi làm việc rồi trở về nhà trong sự an toàn, an vui, hạnh phúc./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo