Hà Nội đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 21.239 người
(LĐXH)- Trong năm 2022, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 21.239 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%.
Kết quả, năm 2021, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động theo quy định hiện hành trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nội đã xây dựng danh mục các nghề đào tạo, danh mục các nghề ưu tiên xây dựng chương trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố và Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao tỷ lệ và chất lượng nguồn nhân lực có kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của Thủ đô.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 380 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Riêng trong năm 2021, các cơ sở đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 166.700 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,1% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50,2%).
Dạy nghề Mộc dân dụng dưới 3 tháng cho người lao động Hà Nội
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 21.239 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Thời gian tổ chức đào tạo hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Hình thức đào tạo là giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định tại Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND thành phố quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của UBND thành phố Hà Nội.
Các đối tượng đáp ứng điều kiện từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học và có nhu cầu học nghề, hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Có 5 đối tượng được tham gia chính sách học nghề, bao gồm: (1) Người khuyết tật; người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. (2) người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. (3) Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm. (4) Người thuộc hộ nghèo được tham gia chính sách học nghề. (5) Phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng trên cũng được tham gia học nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng.
Người lao động tham gia học nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề theo quy định của UBND thành phố đối với từng nghề, từng đối tượng cụ thể, gồm: Người tham gia học nghề thuộc nhóm 1, 2, 3, 4 được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, áp dụng đối với trường hợp địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xã nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Danh mục ngành nghề đào tạo gồm 20 nghề. Trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp có 11 nghề: Mộc mỹ nghệ, Mộc dân dụng; Kỹ thuật sơn mài; Kỹ thuật khảm trai; Sản xuất hàng mây tre, giang, đan; Hàn điện; Điện dân dụng; Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; Pha chế đồ uống; May công nghiệp; Xây trát dân dụng. Nhóm nghề nông nghiệp có 9 nghề: Chăn nuôi thú y, Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; Trồng lúa chất lượng cao; Trồng cây ăn quả; Kỹ thuật chăn nuôi lợn; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; Kỹ thuật trồng hoa; Trồng đào, quất cảnh.
Quy mô đào tạo tối đa là 35 học viên/lớp. Phương thức đào tạo được thực hiện đa dạng, linh hoạt như: đào tạo chính quy tại các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo lưu động tại các địa phương, tại nơi sản xuất, làng nghề… Việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động chủ yếu dạy thực hành, thời gian đào tạo phù hợp với từng nghề và phù hợp với nhận thức của người lao động.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Trong đó, thành phố lưu ý, không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
Về kinh phí thực hiện Kế hoạch, ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chung thuộc cấp thành phố như tuyên truyền, tư vấn học nghề việc làm, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đào tạo,… Ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo và các nhiệm vụ khác theo phân cấp.
UBND thành phố giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Đồng thời, Sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với nhóm nghề phi nông nghiệp.
Chí Tâm
TAG: