Để đảm bảo an toàn PCCC, cứu nạn, cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; không để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; đảm bảo an ninh trật tự phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cơ sở, chủ các hộ gia đình trên địa bàn Thành phố thực hiện ngay một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố về đảm bảo PCCC và cứu nạn cứu hộ; tập trung thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, chấn chỉnh về PCCC, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và khu tập trung đông người trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sát hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị, địa phương mình.
Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở triển khai ngay công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn PCCC; khắc phục các tồn tại, thiếu sót, vi phạm về an toàn PCCC và những sơ hở là nguyên nhân gây cháy, mất khả năng điều kiện thoát nạn, thoát hiểm, khi kiểm tra yêu cầu ghi biên bản để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời điểm kiểm tra...; trang bị các loại phương tiện PCCC tại chỗ để kịp thời xử lý cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh. Chỉ đạo các lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, bảo vệ thôn, tổ dân phố, bảo vệ cơ quan bảo đảm lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhân lực, duy trì lệnh trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó, thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; khuyến cáo, nhắc nhở nhân dân nêu cao ý thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn, thoát hiểm; tự trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, như: Bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt, thiết bị cảnh báo, báo cháy tự động... nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện toàn diện các biện pháp hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC, công tác vận động xây dựng phong trào "Toàn dân PCCC”; siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC, xử lý nghiêm minh các vi phạm về PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành thành phố: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Tổng công ty Điện lực, Công ty nước sạch... phối hợp thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước liên quan đến công tác PCCC, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cơ sở triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vi phạm có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể quần chúng nhân dân phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tới các đoàn viên, hội viên và toàn chúng nhân dân nêu cao ý thức PCCC; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xây dựng, nêu cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về PCCC, CNCH.
PV