Hà Nội: Chú trọng tuyển sinh và đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) - Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, trang Fanpage Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trực tuyến thu hút gần 30 ngàn lượt người tham gia với hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội…
Có thể nhận thấy. giáo dục nghề nghiệp Hà Nội có nhiều điểm mạnh, trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới nhiều năm qua, luôn luôn đứng đầu trong toàn quốc và chính sách đầu tư của Hà Nội cho giáo dục nghề nghiệp đã đi đúng hướng, phù hợp và góp phần vào sự phát triển của thành phố. Tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trực tuyến, ông Nguyễn Chí Trường, vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ với các em học sinh về mô hình đào tạo 9+: “Đây là mô hình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế của thời đại. Thí dụ như ở Hàn Quốc có mô hình Master High School để đào tạo các em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông và đào tạo rất đặc thù để thích ứng ngay với thị trường lao động, thế giới việc làm. Mô hình KOSEN của Nhật Bản cũng vậy, đào tạo chuyên sâu kỹ năng nghề nghiệp cho người học tốt nghiệp trung học cơ sở. Ở Việt Nam, mô hình này cũng được triển khai trong vài năm gần đây. Do là mô hình phù hợp với xu thế thời đại nên cần phải đáp ứng nhu cầu của công nghiệp, xu hướng phát triển của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ vốn thay đổi nhanh chóng, các ngành công nghiệp có xu hướng tích hợp với nhau, người lao động đòi hỏi phải được trẻ hóa phải thích ứng nhanh với xu hướng đó. Tại Việt Nam, vừa qua Tập đoàn Viettel tuyển dụng đội ngũ kỹ thuật viên đảm bảo môi trường an ninh mạng là các em tốt nghiệp trung học phổ thông, đây là một dấu hiệu tốt, tức là tuyển dụng đối tượng có thể đào tạo được thay vì đối tượng đã được đào tạo. Chúng ta phải tăng cường hướng nghiệp từ phổ thông để các em nhận thức được xu hướng của thế giới việc làm. Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp, thị trường lao động thay đổi liên tục. Để dự báo sát với thực tế chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề như: Những yếu tố bất ngờ, bất định, nhanh chóng, khó dự báo, khó dự đoán mà trước hết cần nói tới là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng thay đổi công nghệ, sự chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng. Vừa qua, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số nghề mới xuất hiện tại Việt Nam như khám bệnh qua App và VinFast, tập đoàn sản xuất ô tô đã sản xuất máy thở là những thay đổi thích ứng với dịch bệnh…”
Có thể khẳng định, phát triển giáo dục nghề nghiệp là giải pháp cơ bản để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề tiếp tục mở rộng tuyển sinh, hướng tới những ngành, nghề xã hội đang cần. Hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với doanh nghiệp và phù hợp thị trường lao động tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng. Trên tinh thần đó, năm 2020, toàn thành phố đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 210.000 lượt người, nâng tỷ lệ lao động quà đào tạo lên 75%... và lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu./.
NHB
TAG: