An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nam nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025
08:32 AM 25/11/2021
Mặc dù, trong nhiều năm qua, Hà Nam cùng cả nước thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi tác động của đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo mới… Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định an sinh, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị; khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả, sáng tạo nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, lấy người dân là chủ thể của phát triển… chính là sự thay đổi tư duy về chuẩn nghèo và giảm nghèo ở nhiều địa phương của Hà Nam những năm qua. Thành quả mang lại không chỉ là con số giảm sâu về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mà là thực tế đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều thay đổi. 
Cho “cần câu” nhưng phải giúp người dân biết cách “câu cá”
Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) là xã thuần nông, nhân dân đa phần làm nông nghiệp. Những năm trước, việc giao thương hàng hoá qua địa bàn chậm chạp. Đời sống của một bộ phận người dân thiếu sinh kế gặp khó khăn. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm gần 8%. “Việc làm không thiếu, chỉ lo mỗi chuyện làm gì để giàu trên chính đồng đất của mình. Bao nhiêu năm rồi, bà con vẫn cứ loay hoay với cây lúa, cây khoai, chăn nuôi con gà, con lợn. Cả nhà trông chờ vào mấy sào ruộng, mấy con lợn thì khó khăn lắm. Chỉ đến khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, công nghiệp của Duy Tiên phát triển, quá trình đô thị hoá nhanh chóng đã thổi luồng gió mới đến vùng quê này” - ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc chia sẻ như vậy. Đảng ủy, chính quyền xã Mộc Bắc nhanh chóng nắm bắt được chủ trương của tỉnh về phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng cây dược liệu và chuối trên đất bãi sông Hồng, chỉ đạo các HTX, tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình địa phương. Nhiều hộ cận nghèo, mới thoát nghèo đang loay hoay không biết làm gì ngoài mấy sào ruộng cấy, ít đất bãi, thửa ao... giờ được tuyên truyền, phổ biến cách thức xây dựng các mô hình đã mạnh dạn tham gia. 
Ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTXDVNN cho biết: Đây đều là các dự án, mô hình lớn, được tỉnh quan tâm, giao cho các sở ngành chức năng giám sát chặt chẽ quá trình triển khai. Vì thế, để tham gia vào mô hình, những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chưa có tiềm lực. Xã đã chỉ đạo các HTX, các chủ trang trại nhận những đối tượng này vào đào tạo nghề, tạo việc làm để có thu nhập. Sau thời gian làm việc có kinh nghiệm, có vốn liếng tích luỹ được, ai có khả năng, thông qua các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp ngân hàng vay vốn để chăn nuôi, mở rộng trồng trọt. Nếu không làm việc cho các trang trại bò sữa, xã đã có hướng chuyển đổi diện tích đất hai lúa trồng cỏ, trồng ngô phục vụ chăn nuôi hay trồng cây dược liệu, trồng chuối, trồng hoa màu trên đất đai phù sa màu mỡ. Làm gì cũng có thu nhập. Một vòng tròn khép kín trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi ở Mộc Bắc được tạo nên nhờ tư duy nhạy bén của đội ngũ cán bộ nơi đây. Ai có năng lực làm chủ, ai có kinh nghiệm thì hỗ trợ nhau, ai không có đủ vốn thì bỏ sức lực để tham gia tổ chức các mô hình… 
Một trong những hộ nghèo ở xã Bình Nghĩa (Bình Lục) thoát nghèo nhờ các mô hình phát triển kinh tế do hội nông dân tổ chức
Nói như ông Trần Hồng Quang, chính sách giảm nghèo của Đảng và Chính phủ 10 năm qua phổ rộng đến cơ sở rồi, tạo vốn, tạo điều kiện học nghề, tạo cơ hội cho con em học hành, có bảo hiểm y tế, được hỗ trợ tiền điện hằng tháng… nhưng suy cho cùng, nếu người nghèo tiếp cận các chính sách này khi nhận thức về việc làm, thu nhập và khát vọng làm giàu chưa có thì khó có hiệu quả bền vững. Ông Trần Hồng Quang cho rằng: “Phải tạo chuỗi sản xuất và cung ứng trong nông nghiệp theo hướng đó thì những người nghèo mới có cơ hội tham gia, mới có điều kiện học hỏi, từ đấy người nghèo mới có động lực, khát vọng làm giàu. Có nghĩa là, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cần xác định là cái cần câu trao cho người nghèo, nhưng chúng ta phải tạo điều kiện để họ biết câu, câu giỏi”. 
Khảo sát ở các địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2016-2020 (trừ đối tượng bảo trợ xã hội – BTXH) như xã: Mộc Bắc (Duy Tiên), Xuân Khê (Lý Nhân), Liêm Phong (Thanh Liêm), An Đổ (Bình Lục)…  cán bộ, đảng viên ở các địa phương này có chung quan điểm về giảm nghèo và chuẩn nghèo giống nhau: Muốn giảm nghèo bền vững thì phải cho người nghèo cần câu chứ không cho con cá, tuy nhiên, phải tạo điều kiện để họ biết câu, thích câu và câu giỏi. Đồng chí Phạm Xuân Sinh, Bí thư Đảng ủy xã An Đổ (Bình Lục) cho rằng: Cán bộ, đảng viên phải sát sao với thực tế để không bỏ sót đối tượng, lãng phí đầu tư. Trong việc rà soát đối tượng hằng năm, nếu cán bộ, đảng viên mà không theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình cơ sở, nhiều người đáng là hộ nghèo không được vào danh sách, người không phải là hộ nghèo sẽ vào danh sách. Khi xác định sai đối tượng thì việc đưa chính sách giảm nghèo vào cuộc sống không có hiệu quả, thậm chí còn bị trục lợi chính sách. Khi đã xác định đúng đối tượng chúng ta sẽ có sự phân loại, phân tích nguyên nhân nghèo của đối tượng và có hướng giải quyết phù hợp như hướng cho họ học nghề gì, làm gì, khuyến khích con cái họ học hành ra sao, xây dựng các mô hình sản xuất nào đáp ứng được điều kiện của họ…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo 
Giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 476 tỷ đồng. Số kinh phí này được chi cho các chương trình chiếm nhiều tiền nhất là mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo (trên 150 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng nhà ở (hơn 83 tỷ đồng); hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo về học phí, chi phí học tập… (gần 115 tỷ đồng); tiền điện (hơn 29 tỷ đồng)… 
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội “Chính sách hỗ trợ hộ nghèo còn mang tính bao cấp nên phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp thực hiện và bản thân người nghèo, có xu hướng người dân muốn vào danh sách đối tượng hộ nghèo để được trợ giúp”. Có chuyện người dân tách hộ để làm hộ nghèo, trục lợi bảo hiểm, tiền điện, các chính sách khác, hoặc sáp nhập con cháu đang tuổi đi học vào hộ nghèo để được hưởng chính sách về giáo dục... Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 2,92% (tiêu chí giai đoạn 2011-2015), nhưng trong báo cáo công tác giảm nghèo giai đoạn này, Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội tỉnh vẫn khẳng định: “Tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân được thụ hưởng từ cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và người nghèo làm cho họ không có ý chí vươn lên thoát nghèo; chuẩn nghèo thấp, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hộ nghèo không được đầu tư bền vững, không có nền tảng nghề nghiệp vững chắc mặc dù đã được hưởng các chương trình, chính sách ưu đãi và được tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo, nhưng thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao”.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, thực hiện giảm nghèo đa chiều, kinh phí thực hiện chương trình này đối với Hà Nam (cả giai đoạn) là hơn 23 tỷ đồng, nhưng kết quả đã có những thay đổi cơ bản. Trong chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo đã có sự phối kết hợp hoạt động đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể tạo thành phong trào hành động sâu rộng trong xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo. Giảm nghèo gắn chặt với việc động viên và tạo điều kiện cho các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng. Hằng năm, số người dân được tạo việc làm mới tăng từ 15.000 đến 18.000 người, cùng với hàng vạn người được tạo việc làm thêm. Cả tỉnh có trên 6.800 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 147.000 lao động. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục, học nghề giai đoạn trước, đến giai đoạn này cho kết quả tốt.
Chẳng hạn, có rất nhiều gia đình giai đoạn trước nghèo vì con cái nhỏ, trong độ tuổi đi học, nhưng đến giai đoạn này đã ra trường, có việc làm và thu nhập nên thoát nghèo... Hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, học nghề... thành công. Các địa phương triển khai nhiều dự án, chương trình dành cho người nghèo phù hợp với điều kiện như “Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” với kinh phí trên 5,1 tỷ đồng; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin với kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Đến hết tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh có hàng chục xã không có hộ nghèo (trừ đối tượng BTXH), thu nhập bình quân đầu người đạt từ 75 triệu đồng đến gần 80 triệu/đồng/người/năm, đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh cuối năm 2020 theo tiêu chí đa chiều còn 2,2%.
Ông Trần Mạnh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Xuân Khê (Lý Nhân) cho biết: “Người dân giờ đây không ai muốn mình là hộ nghèo nữa, trừ những người thuộc đối tượng BTXH. Người dân cho rằng, làm giàu trong thời buổi này không khó, chỉ cần tư duy đừng nghèo, đừng nghĩ đến cái mốc thu nhập hơn một triệu đồng/người một tháng là thoát nghèo mà phải nghĩ làm để có một cuộc sống hạnh phúc!”.

PV
TAG:
Tin khác
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ