An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hà Giang tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19
04:12 PM 07/07/2020
(LĐXH)-Do diễn biến phúc tạp của dịch bệnh Covid-19, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 được các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang tích cực hưởng ứng tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, Hội đồng ATVSLĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/4/2020 về hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2020. Sở Lao động - TBXH (Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng ATVSLĐ) đã ban hành công văn số 398/LĐTBXH-LĐVLBHXH ngày 23/4/2020 về việc hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành công văn số 496/LĐLĐ ngày 16/4/2020 về việc hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. UBND các huyện, thành phố, các ngành thành viên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã xây dựng kế hoạch, chương trình và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ bảo đảm phù hợp, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, thực hiện Thông báo số 1218/LĐTBXH-TLĐ ngày 07/4/2020 của Bộ Lao động – TBXH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Kế hoạch tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2020, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn các Sở, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động quán triệt và tổ chức thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ với các hoạt động gắn với cơ sở, đảm bảo phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19.
Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang tặng quà người lao động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020
Trong đó, hoạt động thông tin tuyên truyền được các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh đã căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 và tình hình diễn biến dịch Covid-19 để tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền như: xây dựng, phát sóng các thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động; phát sổ tay, tờ rơi, tài liệu, hướng dẫn, vi deo, gửi tin nhắn tuyên truyền về ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, người lao động; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và hệ thống thông tin của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, doanh nghiệp, khu vực làng nghề... Tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã cao, vật rơi. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung trong công tác tuyên truyền Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo được hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng.
Kết quả, trước, trong và sau Tháng hành động ATVSLĐ năm 2020, Báo Hà Giang, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh đã đưa 4 tin bài, phóng sự về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Du lịch các huyện, thành phố đưa 08 tin bài, phóng sự về công tác ATVSLĐ tại địa phương và tổ chức 11 cuộc tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan đến công tác ATVSLĐ bằng loa đài tại các chợ phiên, nơi công cộng về công tác ATVSLĐ trên địa bàn thu hút trên 4.000 lượt người nghe. Toàn tỉnh treo 180 băng zôn khẩu hiệu.
Các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ được các doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị có chức năng huấn luyện ATVSLĐ tổ chức mở các lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 640 người lao động, trong đó chủ yếu là huấn luyện cho người lao động thuộc nhóm 4; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 573 người lao động; 01 cơ sở tổ chức quan trắc môi trường lao động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trước, trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 được tổ chức theo hướng giao cho các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra là chính và báo cáo về Ban chỉ đạo huyện, tỉnh. Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, xây dựng, điện; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Kết quả có 44 đơn vị tự tổ chức kiểm tra về ATVSLĐ trong Tháng hành động.
Có thể nói, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ ở Hà Giang đã thu hút và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể các huyện, thành phố các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đông đảo người lao động. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động trong việc thực thi các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ được nâng lên. Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy,nhân sự làm công tác ATVSLĐ, thành lập hội đồng bảo hộ lao động... Người lao động đã có sự chuyển biến tích cực, có ý thức trong việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực này; tích cực và chủ động phát hiện, kiến nghị với người sử dụng lao động về các nguy cơ rủi ro các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, việc tổ chức Tháng hành động đã góp phần làm giảm tần suất tai nạn lao động đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao; các hoạt động huấn luyện, đo kiểm môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được người sử dụng lao động quan tâm, tổ chức ngày một tốt hơn. Chính nhờ vậy, theo báo cáo của các doanh nghiệp, các huyện thành phố trong Tháng ATVSLĐ không xảy ra cháy, nổ, tai nạn lao động trong sản xuất.

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang