An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hà Giang tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động
03:22 PM 08/08/2020
(LĐXH)-Ngày 7/8/2020, UBND tỉnh Hà Giang có công văn số 2560/UBND-VHXH gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Công văn nêu rõ: Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình, doanh nghiệp, gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết và 6 người bị thương, đặt biệt số vụ tai nạn lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động còn cao và chưa được thống kê đầy đủ. Xảy ra tình trạng trên, một phần do sức ép công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch bệnh Covid-19, một phần người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động và đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số công việc sau:
Sở Lao động – TBXH chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ cho người sử dụng và người lao động, bao gồm cả khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Chủ trì và phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về ATVSLĐ, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, như: khai thác khoáng sản, khai thác đá, xây dựng, quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về về an toàn lao động; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động; kiên quyết đề nghị khởi tố các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ; quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhất là thiết bị có tác động rộng lớn đế xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa nén khí… Công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đảm bảo ATVSLĐ trong các công trình xây dựng dân dụng
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đặc thù trong lĩnh vực xây dựng như cần trục tháp, vận thăng, cần bơm bê tông, hệ thống cốp pha, sàn treo nâng người, hệ thống giàn giáo; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông.
Sở Giao thông – Vận tải tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải như các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông.
Sở Công thương tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đặc thù trong lĩnh vực ngành phụ trách, đặc biệt là vật liệu nổ công nghiệp, các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng nổ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền và tăng cường quản lý công tác ATVSLĐ theo lĩnh vực sở, ngành quản lý.
Đối với UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Quản lý chặt chẽ các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, đặc biệt là máy, thiết bị các tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén… Chỉ đạo UBND các xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật ATVSLĐ, trong đó chú trọng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Được biết, chỉ tính riêng năm 2019, Sở Lao động – TBXH Hà Giang đã in ấn trên 1.400 tờ rơi tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ; tờ rơi tuyên truyền về hướng dẫn sản xuất an toàn trong sử dụng một số thết bị, máy móc và chuyển phát hàng ngàn tài liệu tuyên truyên đến các huyện, thành phố. Tổ chức tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho 350 cán bộ cơ sở xã, thôn, bản của huyện Bắc Mê và Vị Xuyên; hỗ trợ tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho 489 lao động tại 7 doanh nghiệp làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, Sở còn phối hợp các ngành hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; đo kiểm môi trường lao động, khám sức khỏe cho người lao động... đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến hàng ngàn người lao động trong nông nghiệp. Kết quả, tần suất tai nạn lao động chết người (trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động) đều giảm; 100% số vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý; số đơn vị, cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm đều tăng. Công tác tuyên truyền cho cán bộ cơ sở và huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, người sử dụng lao động được quan tâm thực hiện.

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025