Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hà Giang quan tâm tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số
03:38 PM 22/08/2023
(LĐXH)- Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Dân số tỉnh Hà Giang có trên 890 nghìn người, gồm 19 dân tộc, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm 85,7% số hộ toàn tỉnh, gồm: dân tộc Mông 32%, dân tộc Tày 23,2%, dân tộc Dao 15% còn lại là các dân tộc khác.

Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang được phân bổ trên 8.700 tỷ đồng thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình, trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 7.800 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các nguồn vốn khác.

Theo đó, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số bình quân đạt 8%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; có 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 60%...

Công tác giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số ở Hà Giang đạt nhiều kết quả tích cực

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của tiểu dự án này là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang, cho biết: Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, liên kết tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số là đòn bẩy để giảm nghèo bền vững. Do đó, Hà Giang đã tập chung vào việc tuyển sinh và gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, địa phương để bảo đảm cho người lao động dân tộc thiểu số sau khi học xong có việc làm phù hợp với nhu cầu.

Đến nay, công tác giải quyết việc làm nói chung, tạo việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số nói riêng ở Hà Giang đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 12.460 lao động, đạt 70% kế hoạch (giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 9.350 người (xuất khẩu 155 lao động, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc).

Để giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang còn quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác để tạo việc làm mới cho người lao động.

Việc cung cấp tín dụng cho người dân, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh kết hợp với hướng dẫn cách vận dụng nguồn vốn vay và vay vốn để tạo việc làm, duy trì và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện đến 193/193 xã phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có hộ được thụ hưởng từ 2 - 3 chính sách tín dụng.

Tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Giang đã giải quyết cho 68.220 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 3.446 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.523,9 tỷ đồng, với 105.816 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ dân, trong đó có lao động người dân tộc thiểu số đã từng bước phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống…

Có thể nói, công tác giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số đã được tỉnh Hà Giang thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động
Huyện Ea H’Leo: Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động