Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Hà Giang: Chủ động phòng, chống mua bán người
03:25 PM 08/10/2019
(LĐXH) – Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống nạn mua bán người, thời gian qua tỉnh Hà Giang thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Là một tỉnh biên giới, các huyện tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc có địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng mua bán người xảy ra hết sức phức tạp. Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh biên giới diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tình hình tội phạm mua bán người ngày càng có chiều hướng gia tăng, chủ yếu xảy ra ở các huyện vùng cao, biên giới với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động và hầu hết các vụ án xảy ra đều có yếu tố người nước ngoài. Nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở trong quy định kết hôn với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa gạt đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.
Hà Giang là một trong những điểm nóng của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2018, toàn  tỉnh phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi mua bán người với 54 nạn nhân bị mua bán, so với 2 năm trước giảm 13 vụ, 33 đối tượng và 16 nạn nhân. Thụ lý điều tra 24 vụ/35 bị can. Phối hợp trao trả và giải cứu được 1.552 trường hợp.
Với mục tiêu chung là giảm nguy cơ bán người, giảm tội phạm mua bán người, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm mua bán người. Với hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp với phát tờ rơi được trình bày ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp người nghe tiếp cận được nhiều thông tin cơ bản, phù hợp với thực tế ở địa phương, trang bị được những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng nhận biết, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm liên quan đến tội phạm mua bán người. Đồng thời phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các huyện cũng tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người cho chị em, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm cho học viên. Hoạt động tuyên truyền được kết hợp diễn văn nghệ với các tiểu phẩm có nội dung phong phú, sát với thực tế và được dịch bằng tiếng dân tộc nên đã thu hút rất đông chị em quan tâm, lắng nghe và tiếp thu. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội còn xây dựng chương trình phối hợp với Bộ độ Biên phòng, Công an huyện, Huyện đoàn,… tổ chức truyền thông theo cụm thôn, bản.
Huyện Đồng Văn là địa bàn nhức nhối về nạn mua bán người của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực để ngăn chặn tình trạng trên. Hiện nay, các đối tượng thực hiện hành vi mua, bán người cực kỳ tinh vi, hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng chúng nhằm tới chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.
Trong những năm qua, Công an huyện Đồng Văn đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động tới người dân để nhận diện rõ các hành vi tội phạm mua, bán người qua biên giới; tiếp nhận các tin báo tố giác do nhân dân cung cấp; khẩn trương vào cuộc điều tra các chuyên án, bóc gỡ các đường dây chuyên mua, bán người, truy tìm bắt đối tượng phạm tội.
Thiếu tá Giàng Xuân Chiến, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn huyện xảy ra 03 trường hợp mua, bán phụ nữ; để ngăn chặn tình trạng mua, bán người, hàng năm đơn vị luôn tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện về đề án, phương án đấu tranh; đồng thời luôn bám nắm địa bàn, tiếp nhận các tin báo của quần chúng nhân dân để lên kế hoạch, phương án điều tra và giải cứu nạn nhân. Đơn vị luôn duy trì phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể và chính quyền địa phương, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, thu hút 2.227 lượt người nghe, phát 1.123 tờ rơi có nội dung về phòng, chống mua, bán phụ nữ, trẻ em. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng mua, bán người thực hiện hành vi phạm tội với nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, công tác phòng, chống mua, bán người rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân./.
Nguyễn Hiền 
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh