Văn bản pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Văn bản pháp luật
Góp ý hoàn thiện qui định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử
03:37 PM 24/07/2020
(LĐXH) Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26-5-2020 của Chính phủ, ngày 23/7/2020, hội thảo "Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành" đã được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh doanh trên môi trường mạng, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm. Một số quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn chưa rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp. 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010. Ngày 27-10-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng". 
“Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội bảo vệ Người tiêu dùng) có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. 
Một thực tế nữa là hiện nhận thức của người tiêu dùng (NTD) về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất mờ nhạt. Qua các cuộc khảo sát chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại chưa biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ. Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến Hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến.
Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. 
Trong thời đại thương mại điện tử đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới.
Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. 
Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại. 
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… giúp cho các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.
Luật sư Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho rằng, việc khiếu nại của người tiêu dùng gặp phải nhiều khó khăn khi bị vướng phải trường hợp mua nhầm hàng kém chất lượng hay sản phẩm bị khiếm khuyết, thậm chí bị cá nhân, tổ chức kinh doanh lừa đảo bán hàng không đúng mẫu mã đã trưng bày hay quảng cáo, giới thiệu; hoặc bị lừa dối trúng thưởng khuyến mại phải mua hàng với giá cao, do không có cơ quan Nhà nước địa phương nhận trách nhiệm xử lý
Kiến nghị các giải pháp báo vệ người tiêu dùng, luật sư Thu đề xuất, cần bổ sung Điều khoản quy định việc hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể chế định thành một lĩnh vực nghề nghiệp đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà cũng vừa hỗ trợ các cá nhân, tổ chức kinh doanh làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, luật sư này cũng kiến nghị Luật cần phải bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa hay dịch vụ trong trường hợp là “người thuê” để dễ dàng khi đưa vào áp dụng trong thực tế.
"Cùng với quyền lợi được bảo vệ, người tiêu dùng phải thực thi nghĩa vụ của mình. Cụ thể, cần phải bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng là không đặt mua sử dụng những loại hàng hóa làm giả các thương hiệu lớn như trong lĩnh vực thời trang, gây thiệt hại uy tín quốc gia, bảo đảm cho việc thực thi các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết", luật sư Thu nêu ý kiến.
Theo ý kiến luật sư Phan Thị Việt Thu, những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đã xác định hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý hình sự.
Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được. Tuy nhiên, Luật chưa quy định bồi thường thiệt hại cho người sử dụng mặc dù những chất độc hại tích tụ sẽ di hại sức khỏe về sau.
Đây là điều thiệt thòi lớn nhất của người tiêu dùng, cho nên cần phải quy định cho những trường hợp chứng minh NTD đã sử dụng sản phẩm độc hại, dù chưa phát sinh trong hiện tại.
Khánh Linh
 

 

TAG:
Tin khác
TPHCM: 13 đơn vị bốc thăm chọn người xác minh tài sản thu nhập năm 2024
Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo hơn 18 tỉ đồng
Cảnh báo về việc mạo danh Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành Bảo hiểm để lừa đảo
10 tháng năm 2023: Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 2,7 tấn ma túy các loại
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp bắt giữ hơn 29,8 nghìn viên ma túy tổng hợp
Ngành Hải quan xem xét xử lý trách nhiệm công chức trong vụ buôn lậu sợi Polyester
Tổng cục Hải quan hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
 5 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
VLUTE ký kết mô hình 'Cổng trường an toàn giao thông”