Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Giúp người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng
12:20 PM 10/07/2017
Giữa bộn bề công việc của cuộc sống đời thường, nhưng họ vẫn dành thời gian và tâm huyết sắm vai những người “vác tù và hàng tổng” để đem lại sự bình yên cho thôn xóm. Họ chính là những thành viên của Đội hoạt động xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện).
Vì cuộc sống cộng đồng
Từ năm 2008, Đội tình nguyện phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được UBND tỉnh cho phép thành lập. Khi ấy, 7 thành viên của Đội được lựa chọn là đại diện các ban, ngành, đoàn thể của phường và người hưu trí, uy tín trong cộng đồng dân cư. Những tình nguyện viên ấy đã nắm lấy bàn tay những người lầm lỡ “kéo” họ trở về với cuộc sống cộng đồng. Tham gia Đội tình nguyện từ những ngày đầu thành lập, ông Đỗ Quý Cường, Đội trưởng Đội tình nguyện phường Cửa Ông, chia sẻ: “Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý là việc rất khó, không phải ai cũng làm được. Nên rất cần những người có tấm lòng nhiệt huyết. Nhiều lúc, chúng tôi đã nắm rõ trong tay danh sách những người nghiện ma tuý, mại dâm, cả những người có HIV/AIDS, nhưng không thể cưỡng chế họ đi vào trung tâm cai nghiện hoặc trung tâm phục hồi nhân phẩm, không thể tách người có HIV ra khỏi gia đình, cộng đồng. Vì vậy, Đội tình nguyện luôn duy trì cách làm truyền thống là vận động, tuyên truyền cho các đối tượng, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng”.
Đội hoạt động xã hội tình nguyện phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả)
tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho người dân trên địa bàn.
Với cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, ông Cường đã bỏ tiền đầu tư 2 chiếc loa để thường xuyên đi tuyên truyền lưu động ở khắp các ngõ ngách, khu phố. Chính từ những lần đi tuyên truyền này, ông đã phát hiện ra những đối tượng tiêm chích, mua bán ma tuý. Ông đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng truy bắt. Cách đây hơn 1 tháng, trong một lần đi tuyên truyền, ông đã phát hiện ra 4 đối tượng đang buôn bán ma tuý trên địa bàn phường. Ngay sau đó, ông đã thông báo, huy động lực lượng phối hợp vây bắt thành công. Ông Cường nói: “Ở phường chúng tôi còn có nhiều đối tượng nơi khác đến tiêm chích, mua bán ma tuý. Vì vậy, tôi thường xuyên đi tuần tra địa bàn, đồng thời bật loa tuyên truyền để chúng sợ không đến địa bàn nữa”.
Tiếp lời ông Cường, ông Trịnh Xuân Dũng, Đội phó Đội tình nguyện phường Cửa Ông, hồ hởi kể cho tôi nghe “chiến công” nữa của Đội: “Cách đây hơn 2 tháng, một đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn đã đồng ý đi cai nghiện tự nguyện ở Trung tâm Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh (huyện Hoành Bồ) sau khi nghe chúng tôi tuyên truyền, vận động. Lợi dụng lúc gia đình sơ hở, đối tượng đã bỏ trốn khỏi nhà. Sau đó khoảng hơn 1 tuần, nhận được thông báo của khu phố là đối tượng đã về, ngay từ sáng sớm chúng tôi đã đến nhà tiếp tục vận động, nhưng đối tượng khoá trái cửa. Sau nhiều giờ đồng hồ thuyết phục và thấy được sự cương quyết của chúng tôi, đối tượng đã mở cửa và đồng ý đến Trung tâm cai nghiện”.
Không chỉ trưng dụng những cánh mày râu khoẻ mạnh, Đội tình nguyện phường Cửa Ông còn có 2 phụ nữ là chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ của các khu phố tham gia. Đội viên Nguyễn Thị Mậu tham gia Đội tình nguyện phường Cửa Ông từ ngày đầu thành lập, cho biết: “Các tình nguyện viên phải thường xuyên đến tận nhà người nghiện để tuyên truyền, vận động. Có nhiều gia đình vì xấu hổ tỏ ra khó chịu, thiếu thiện chí hợp tác. Có lần, họ còn chửi, đuổi chúng tôi thẳng thừng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Sau đó chị em chúng tôi cứ vài ba ngày qua lại hỏi thăm, động viên, tâm sự với gia đình, nhất là bố mẹ có con nghiện ma tuý. Khi gia đình hiểu vấn đề thì việc tiếp cận, giải thích cho đối tượng nghiện trở nên dễ dàng hơn”.
Anh Nguyễn Hồng Thắng (thứ 3, phải sang) trao đổi về tình hình phòng chống tệ nạn xã hội
cùng Đội hoạt động xã hội tình nguyện phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả).
Thành lập năm 2007, Đội tình nguyện phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) đã giúp nhiều lượt người nghiện ma tuý đi cai nghiện, trong số đó đã có nhiều người cai nghiện thành công. Bà Phạm Thị Hiệp, Đội phó Đội tình nguyện phường Quang Hanh, chia sẻ: “Khi bắt đầu tham gia Đội tình nguyện, tôi xác định rằng phải thực sự coi người nghiện ấy như con, cháu của mình. Lúc nào cũng gần gũi, chia sẻ thì mới giúp được họ”. Đây cũng là tâm niệm chung của các thành viên trong Đội tình nguyện phường Quang Hanh.
Không chỉ lân la trong quán xá, len lỏi vào các khu dân cư để tìm hiểu về đối tượng nghiện, có lúc những thành viên của Đội tình nguyện lại trở thành diễn viên trong các hội thi, chương trình văn nghệ để tuyên truyền về phòng, chống ma tuý... Bà Phạm Thị Hiệp khoe với tôi rằng: Tham gia tuyên truyền nhiều nên khi đứng diễn trên sân khấu, bà tự tin lắm, nên lần nào cũng đoạt giải cao. Bà đã đoạt giải nhất cuộc thi tình nguyện viên với công tác tuyên truyền, tư vấn phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS các tỉnh phía Bắc năm 2011 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Bà còn tham gia các buổi toạ đàm, diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng mô hình Đội tình nguyện ở các cấp.
Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng
Bà Hà Thị Thanh Lê, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện 7/14 địa phương của tỉnh đã thành lập được 20 Đội tình nguyện, với 7 thành viên/Đội. Đội sinh hoạt 1 buổi/tháng. Qua thực tiễn hoạt động, các tình nguyện viên là người kết nối, chuyển gửi, tư vấn, hướng dẫn làm việc với chính quyền, tổ chức xã hội, chủ doanh nghiệp để tìm việc làm cũng như ổn định sức khoẻ cho người sau cai nghiện ma tuý. Đây là công việc rất khó khăn và gian khổ, nhưng hơn 10 năm qua, họ đã giúp hàng trăm lượt người nghiện đi cai nghiện, và nhiều người đã cai nghiện thành công. Thậm chí, nhiều người được tham gia vào chính quyền xã, làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quay lại tiếp tục giúp đỡ những người trước đây đã từng nghiện như mình.
Anh Lưu Kim Tuấn được vợ chuẩn bị mũ bảo hiểm chuẩn bị chở khách đi xe ôm.
Với những người làm công tác xã hội tình nguyện thì không gì ý nghĩa hơn khi được chứng kiến cuộc sống của những người đã một thời lầm lỡ trở về tái hoà nhập cộng đồng thành công. Sau hơn 10 năm chìm trong ma tuý, hơn ai hết anh Nguyễn Hồng Thắng (SN 1966, khu 7, phường Cửa Ông) hiểu rõ về tính chất nguy hiểm và cái giá quá đắt mà ma tuý gây ra đối với sức khoẻ, tính mạng và cả danh dự của những ai đã một thời lầm lỗi. Nhớ về những ngày tháng chìm đắm trong ma uý, anh Thắng kể: “Cứ vật vã với ma tuý, nó làm qua mất tuổi thanh xuân và tôi cũng chẳng dám lập gia đình. Bố mất, mẹ ngày càng già yếu. Rồi chứng kiến nhiều bạn nghiện lần lượt ra đi, điều đó làm tôi thực sự lo sợ. Vì vậy, tôi bắt đầu tự cai nghiện từ năm 2003, đến nay không tái sử dụng ma túy”. Bây giờ, anh theo người thân buôn cá tại chợ Cửa Ông, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Anh còn được lựa chọn tham gia vào Đội tình nguyện phường Cửa Ông thời gian tới.
Anh Lưu Kim Tuấn (SN 1973, khu 1A, phường Quang Hanh) làm được “cuốc” xe ôm cho khách quen vừa về đến nhà, nói: “Tôi chỉ dám chở khách quen thôi. Chứ khách lạ, nhỡ họ mang ma tuý theo người bị công an bắt thì 17 năm cai nghiện thành công của tôi đi tong mất”. Vừa tròn 20 tuổi, anh Tuấn đã nghiện ma tuý. Từ một thanh niên điển trai, khoẻ mạnh, ma tuý đã biến anh thành một người “da bọc xương”, không còn sức sống. Hơn 10 năm nghiện, cai nghiện, tái nghiện đã làm anh “thân tàn ma dại”, sống vất vưởng, lang thang ở nhiều nơi. Trở về nhà, nhìn người mẹ già gầy yếu, tiều tuỵ, tóc đã bạc trắng vì thương con vẫn giang rộng vòng tay đón, anh tự nhủ mình phải quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời mình. Biết mọi người trong gia đình không ai tin là mình có thể tự cai được, anh đã tự giam mình vào phòng để chống lại cơn thèm thuốc. Nhưng bằng nghị lực của bản thân đã giúp anh vượt qua. Vừa bước ra khỏi bóng tối với muôn vàn khó khăn và sự kỳ thị, anh Tuấn có niềm hạnh phúc lớn lao đó là có một người con gái chấp nhận cùng anh xây đắp gia đình. Hiện anh Tuấn làm nghề xe ôm, vợ anh làm thợ may. Anh Tuấn nói trong nghẹn ngào: “Gần đây, vợ tôi muốn vay vốn để phát triển nghề may nhưng vì quá khứ nghiện ngập của tôi mà bị gạt đi. Tôi cũng không tiếp cận được nguồn hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế nào. Tôi chỉ thương 2 con, kinh tế khó khăn việc học hành của con bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Bà Phạm Thị Hiệp, Đội phó Đội tình nguyện phường Quang Hanh, nói: “Tôi mong muốn Nhà nước mở rộng hơn nữa chính sách hỗ trợ người cai nghiện thành công và gia đình họ tiếp cận với các nguồn vốn có lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình”. Chung quan điểm đó, ông Đỗ Quý Cường, Đội trưởng Đội tình nguyện phường Cửa Ông, chia sẻ: “Nhiều người cai nghiện thành công nhưng vẫn tái nghiện, nguyên nhân thì nhiều, nhưng phần lớn là họ không có công việc, thu nhập ổn định. Vì vậy, tôi mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho những đối tượng này”.
Thực tế đã chứng minh, nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng trong tạo và giải quyết việc làm thì họ hoàn toàn có thể cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời...
Theo Báo Quảng Ninh
TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch