Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Giới thiệu những tài liệu, hình ảnh quý về lịch sử hào hùng của Thủ đô qua Trưng bày "Hà Nội và những cửa ô"
05:19 PM 07/10/2024
(LĐXH)- 170 tài liệu, hình ảnh lưu trữ về những cửa ô Hà Nội đã được giới thiệu trong trưng bày mở cửa từ ngày 7/10-30/10/2024 với chủ đề "Hà Nội và những cửa ô" tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Trưng bày do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, cách đây 70 năm, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn quân tiên phong đã tiến về Thủ đô Hà Nội. Hình ảnh 5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về đã in đậm trong ký ức người dân Thủ đô và cả nước.
Việc trưng bày các hình ảnh tư liệu về tiếp quản Thủ đô, chặng đường phát triển 70 năm qua… cũng là dịp để tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử hào hùng, nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, khơi dậy truyền thống cách mạng để cùng chung tay, góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ, cửa ô là một nét đặc trưng, riêng có của Hà Nội.
Ngoài vai trò là cửa ngõ kết nối giao thông, các cửa ô Hà Nội còn là nơi trấn giữ bảo vệ Kinh thành. Vì vậy, nơi đây từng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hà Nội. Đặc biệt, các cửa ô còn là nơi chứng kiến đoàn quân chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
Trong lịch sử, Hà Nội ghi nhận từng có 21 cửa ô. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đô thị Hà Nội, giới hạn của thành phố ngày một mở rộng, dẫn đến việc biến mất dần các cửa ô xưa.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Thông qua các nguồn tài liệu, tư liệu phong phú bao gồm nhiều hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, trưng bày đã tái hiện phần nào lịch sử đô thị Hà Nội xưa, quá trình biến đổi và dần biến mất của hầu hết các cửa ô Hà Nội vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trưng bày cũng giới thiệu quá trình phát triển, đổi thay của Hà Nội ngày nay, sau 70 năm tiếp quản Thủ đô.
Trưng bày "Hà Nội và những cửa ô" giới thiệu 3 chủ đề:
Chủ đề 1, Cửa Ô xưa: Giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa Ô của Thăng Long - Hà Nội; vai trò, công năng của các Cửa Ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các Cửa Ô theo từng giai đoạn quy hoạch thay đổi địa giới hành chính của thành phố Hà Nội dưới sự tác động của người Pháp; Những hoạt động trao đổi kinh tế (các khu chợ, khu phố buôn bán); những sự kiện lịch sử gắn liền với các Cửa Ô (Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất từ Cửa Ô Thanh Hà…) những giai thoại liên quan… Xác định dấu vết các Cửa Ô gắn liện với địa danh làng xã Hà Nội xưa và thay đổi hiện nay.
Sang đến đời chúa Trịnh Doanh, tên gọi Cửa Ô chính thức xuất hiện trong lịch sử vào năm 1749, khi chúa Trịnh Doanh cho xây dựng lại bức tường thành kiên cố bảo vệ Kinh thành Thăng Long trên nền của tòa thành cũ thời Mạc (đã bị phá hủy trước đó). Tòa thành này có 8 Cửa Ô.
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn biến đổi về vài trò và nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch không gian. Theo các nguồn sử liệu, đầu thời Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội được ghi nhận có 21 Cửa Ô. Tuy nhiên theo những bản đồ Hà Nội còn lại sớm nhất (Hoài Đức phủ toàn đồ năm 1831) đã xác định Hà Nội có 16 Cửa Ô và đến năm 1873 (bản đồ do Phạm Đình Bách vẽ lại) thì Hà Nội còn lại 15 Cửa Ô.
Chủ đề 2, Cửa Ô chiến thắng: Kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố; những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế…Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân giải phóng Thủ đô. Cả Hà Nội dồn về khu vực Cột cờ Hà Nội, tập trung ở sân vận động. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh Cột cờ.
Hình ảnh các chiến sỹ tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954
Chủ đề 3, Cửa ô Hà Nội hôm nayChứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa.
Giai đoạn 1954-1975: Là giai đoạn Hà Nội khôi phục kinh tế, cải tạo chủ nghĩa xã hội và chống mỹ cứu nước. Năm 1961, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng các nông trường quốc doanh. Năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc từ 9 xí nghiệp ban đầu, Hà Nội đã có xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng lớn ra đời,..
Đặc biệt đến năm 1972 là sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến phá hoại miền Bắc và cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước. Sự đóng góp to lớn của quân, dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Ngày 23/12/1972, Hà Nội được UB thường vụ quốc hội tuyên dương công trạng “Thủ đô anh hùng”.
Giai đoạn 1975-1986: thời kỳ khôi phục, tái thiết kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo công thương nghiệp. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân của Thành phố phải kể đến như: Nhà máy Chế tạo công cụ số 1, một số công trình lớn được hoàn thành: Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Nhi Hà Nội. Nhiều công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương….
Giai đoạn 1986-2008: Hà Nội cùng cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội tiến hành công cuộc đổi mới đất nước: Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2008, Hà Nội vươn mình trong công cuộc đổi mởi, mở rộng địa giới hành chính, đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Giai đoạn từ năm 2008 -  nay: Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu đảm bảo ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững. Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, Thành phố Thông minh. Năm 2019 Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Unessco. Ở khu vực Đông Nam Á, Hà Nội là thành phố - Thủ đô đầu tiên đạt được danh hiệu này. Năm 2022, Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ và là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về CNVH. Năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi.
Khánh Linh
 

 

TAG: lịch sử hào hùng của Thủ đô Trưng bày Hà Nội và những cửa ô tài liệu lưu trữ
Tin khác
Khởi động Cuộc thi Hoa hậu Đa văn hóa thế giới 2025
Rú Chá - Viên Ngọc Thiên Nhiên Của Huế
Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam (VEHA) sẵn sàng cho Đại hội nhiệm kỳ III vào ngày 27/9 tại Hà Nội
Trưng bày tranh sơn mài “Dấu thiêng” của họa sĩ Chu Nhật Quang tại Hoàng Thành Thăng Long
Trưng bày gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ quốc gia về sự kiện tiếp quản Thủ đô
Herbalife Việt Nam tiếp tục khuyến khích lối sống năng động lành mạnh cùng giải chạy VnExpress Marathon Hạ Long 2024
Bảo Tồn Ca Huế - Sức Sống Mới Trong Lòng Di Sản
Giải Marathon Quốc tế Hà Nội Techcombank Mùa thứ 3: Hành trình của tinh thần thể thao kiên định, mạnh mẽ
Đường đến “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình”