Giáo dục tư duy, thực hành “Tiên học lễ, hậu học văn” cho trẻ em ở quận Đống Đa
(LĐXH)- Đổi mới phải bắt đầu từ tư duy. Khi tư duy thay đổi mọi hành động sẽ thay đổi. Muốn tư duy thay đổi, ngay từ bé, con trẻ cần được các thầy cô giáo, cha, mẹ, ông, bà dạy cách tư duy, cách nghĩ.
Trẻ em là tương lai của đất nước và mỗi gia đình nên con trẻ cần được định hướng tư duy và thực hành để phát triển nhân cách biết hướng tới các giá trị đạo đức cao quý như: Chân, Thiện, Mỹ, định vị rõ vị trí của mình và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với nhà trường và phải trở thành những công dân tốt, tự nuôi sống được bản thân và những người thân của mình. Có một nhóm các thầy cô giáo, trong đó có nhà giáo Trịnh Đan Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa (thành phố Hà Nội) và các nhà giáo: Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng; Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cùng cô giáo Thạc sỹ Cao Hiền luôn trăn trở về những vấn đề này?
Trong công cuộc chấn hưng đất nước, làm trong sạch đội ngũ công bộc của dân, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý Nhà nước đã có những nhân vật quên đi ý nghĩa cao cả của hai từ “công bộc”. Từ đó dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật tới mức bị kỷ luật, truy tố… Sự việc này như hồi chuông thức tỉnh cho những người vô tình, hữu ý có những hành vi sai trái.
Trong bối cảnh cuộc sống còn đầy bề bộn khó khăn, may mắn vẫn có những công chức luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục như cán bộ ở Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Đống Đa Đỗ Trọng Nam; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Trịnh Đan Ly; các thầy cô giáo tâm huyết như tập thể giáo viên, Ban Giám hiệu Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) vẫn say sưa với công cuộc cải cách giáo dục. Đặc biệt là quyết tâm triển khai mô hình thí điểm đào tạo “Vệ sĩ nhí” - Giáo dục tư duy, thực hành “Tiên học lễ, hậu học văn” để làm nền tảng xây dựng thương hiệu cho nhà trường trong năm học mới.
Với nhận thức tâm hồn con trẻ như những trang giấy trắng, gia đình, nhà trường, xã hội cùng viết lên đó các giá trị cần thiết để học trò đối mặt với cuộc sống thực tại theo nguyên lý: “Tư tưởng tốt, định hướng tốt, phù hợp với lứa tuổi”.
Tin tưởng rằng, mô hình “điểm” giáo dục này của quận Đống Đa nhất định sẽ mang lại thương hiệu cho Trường THCS Bế Văn Đàn và sự thay đổi lớn cho con trẻ về cách tư duy, hành xử, theo chuẩn mực đạo đức có lợi cho con trẻ và các gia đình, nhà trường, mang lại một bầu không khí hào hứng, chủ động học tập.
Bằng sự quyết tâm của các cơ quan hữu quan, quyết tâm của nhà giáo Đan Ly, Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, nhất định nhà trường sẽ thành công trong việc triển khai mô hình điểm này.
Kết quả thể hiện trên học trò với những việc làm thiết thực khi triển khai chương trình đào tạo “Vệ sĩ nhí”, chú trọng giáo dục, định hướng tư duy, thực hành “Tiên học lễ, hậu học văn”, chắc chắn sẽ được các bậc cha mẹ học sinh, các thành viên trong xã hội ủng hộ.
Chúng ta hãy cùng chờ đón một “điểm” triển khai chương trình “Vệ sĩ nhí” do các thầy cô giáo cùng Trường THCS Bế Văn Đàn triển khai vào đầu năm học mới và cùng chúc cho các thầy cô giáo, các em học sinh thành công như ý nguyện!
Nhà giáo An Thuý