Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Giáo dục nghề nghiệp: Tạo sự chuyển biến về số lượng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo...
02:57 PM 22/06/2020
(LĐXH) - Trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cần tiếp tục đổi mới để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế, mà còn đặc biệt có ý nghĩa trong việc tạo tiền đề quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế và chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội…
Học sinh sinh viên ngày càng có cơ hội tiếp cận các thiết bị hiện đại
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là một trong những chiến lược trọng điểm, do vậy năm 2019, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Trong đó đưa ra sáu giải pháp cốt lõi với ba nội dung trọng tâm đột phá đó là: nâng cao tính tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, gắn đào tạo với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả và đồng bộ cần có cơ chế cụ thể cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và bản thân người tham gia học nghề...
Có thể khẳng định, từ khi thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp về một đầu mối quản lý là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đến nay, quy mô tuyển sinh, cơ cấu và chất lượng đào tạo đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập trung vào các điều kiện đảm bảo chất lượng, trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo, xây dựng chuẩn đầu ra, dần hoàn thiện khung pháp lý triển khai đồng bộ Luật giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác truyền thông và được sự quan tâm của các cấp các ngành, doanh nghiệp, nhận thức của người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Tiếp đó, chú trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp…
Hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu hết sức quan trọng mang tính quyết định và bền vững... Rõ ràng, giáo dục nghề nghiệp cần được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về lĩnh vực này. Hơn nữa, trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - GDNN Việt Nam không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn phải đáp ứng tính cạnh tranh trong thị trường lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như quốc tế.
Giờ thực hành của sinh viên nghề cơ điện tử
Tính đến năm 2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những chuyển biến tích cực nên kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ này đạt gần 100%. Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc bởi ngay như nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương chưa đầy đủ; Hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa cao; Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; Công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội…
Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến về số lượng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo
Với quan điểm phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo… Thời gian tới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ngoài việc tập trung một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành và chuyên ngành; Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia… thì cũng phải chú trọng vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là: 
- Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt; xây dựng chiến lược, chương trình, dự án phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030. Phân cấp mạnh quản lý nhà nước về GDNN cho các Bộ, ngành, địa phương; từng bước giảm sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ sở GDNN. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp.
-  Tăng cường quản lý chất lượng GDNN. Phát triển đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực GDNN và các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng kiểm định chất lượng GDNN phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Đánh giá phân tầng chất lượng để công nhận cơ sở GDNN, chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng GDNN, chất lượng cao, tiếp cận trình độ ASEAN-4 và tiếp cận trình độ các nước phát triển thuộc nhóm G20.
- Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn về GDNN tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và người lao động, cụ thể: Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển GDNN...
- Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động. Xây dựng, cập nhật, bổ sung tiêu chuẩn nghề quốc gia bảo đảm tương thích với tiêu chuẩn nghề khu vực ASEAN-4, các nước phát triển trong nhóm G20. Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với các cơ sở GDNN đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động lớn. Đàm phán, công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN; liên kết, hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đặc biệt trong các khuôn khổ APEC, ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công,...
- Tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Chủ động tiếp cận, học hỏi một số mô hình GDNN thành công trên thế giới và vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên trong các trường đại học sư phạm kỹ thuật, CĐ, các khoa sư phạm kỹ thuật thuộc các trường đại học kỹ thuật công nghệ. Tham gia các tổ chức quốc tế về GDNN như về đảm bảo chất lượng, kiểm định và công nhận chất lượng GDNN, tiêu chuẩn kỹ nghề; thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ về GDNN giữa Việt Nam và các nước trên thế giới./.
Nguyễn Hữu Bắc
 
 
 
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng