Bàn chủ tọa
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, cả nước có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ trên cả nước, trong đó có khoảng 1.000 các cơ sở do tư nhân thành lập.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước công tác dạy nghề đã từng bước đổi mới và phát triển; đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, cải thiện chất lượng; đa dạng hoá, linh hoạt trong tổ chức đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo đã được điều chỉnh hợp lý, sát với nhu cầu hơn; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được chú trọng, đa dạng hoá và tăng cường nguồn lực dành cho giáo dục nghề nghiệp; tăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và khu vực; chất lượng dạy nghề đã chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu đội ngũ lao động qua đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội,góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Luật giáo dục nghề nghiệp đã có những quy định nhằm xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đã được đặc biệt quan tâm khi có một chương của Luật giáo dục nghề nghiệp quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của nước ta hiện nay: hệ thống cơ sở đào tạo đông nhưng chưa đủ mạnh; năng lực các cơ sở còn yếu, đặc biệt là thiếu về nhân lực quản trị; kỹ năng của người lao động còn hạn chế, chưa gắn chặt các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo...Qua đó, các đại biểu cho rằng cần huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đây là một điều kiện chính đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng (thay đổi khí hậu, thay đổi công nghệ,...).
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn Quốc gia và có nguồn nhân lực tiếp cận được các nước trong khu vực và thế giới, các đại biểu cũng đã trao đổi xem xét các cách thức tham gia của khu vực tư nhân trong giáo dục nghề nghiệp như: Đối thoại Công – Tư, sự đóng góp đến phát triển chương trình đào tạo và quá trình đào tạo, đóng góp của khu vực tư nhân hỗ trợ tài chính cho giáo dục nghề nghiệp,... trên cơ sở kinh nghiệm Vùng và bối cảnh Việt Nam.
Nhằm huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu kiến nghị về mặt thể chế, Đảng, Nhà nước cần tổ chức các đối thoại công - tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp vào quản lý dạy nghề; xây dựng chương trình dạy nghề theo hướng đổi mới, hiện đại hóa chương trình giảng dạy, phù hợp với yêu cầu kỹ năng, đào tạo giáo viên; có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập...
Theo Molisa