Giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2020, tuyển sinh đạt 2,6 triệu người
(LĐXH) - Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, nâng tỷ lệ đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng, trong đó có khoảng 20% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm.
Đến năm 2015, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá đến năm 2025, trong đó chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN công lập nhằm giảm mạnh đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm đến năm 2020 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) cơ sở GDNN công lập so với năm 2015. Cần có sự quyết liệt trong việc giải thể các trường TC, trường CĐ hoạt động không hiệu quả theo quy định của pháp luật hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập. Từng bước sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có trên 50% ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn. Đối với các trường công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành; các trường cam kết tự chủ thì xây dựng và triển khai phương án tự chủ. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm GDNN thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo…
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập phải dựa trên cơ sở rà soát các tiêu chí, điều kiện sáp nhập, giải thể; các cơ sở GDNN mới được hình thành sau quá trình chia, tách, sáp nhập phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và bảo đảm quyền lợi của giáo viên, cán bộ quản lý, người học sau quá trình sáp nhập, giải thể. Với các trường thuộc bộ, ngành, địa phương phải phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp của bộ, ngành và quy hoạch phát triển nhân lực tại khu vực đó. Xây dựng đề án phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm căn cứ đầu tư và giao kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các trường chuyên biệt, đặc thù. Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ.
Chỉ thành lập mới cơ sở GDNN công lập ở những nơi thực sự cần thiết, đồng thời cam kết tự chủ và bảo đảm có đủ điều kiện quy định về đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN; khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN ngoài công lập và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở GDNN. Tăng cường xã hội hoá đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao.
NHB
TAG: