Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số
10:09 AM 25/09/2021
(LĐXH)- Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai, sẽ được hưởng lợi từ các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được.
Đây là mục tiêu quan trọng của dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tai các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” của UNFPA.
Các đại biểu tham gia sự kiện 
Dự án được ký kết ngày 24/9 giữa bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Jennifer Cox - Tổng Giám đốc của Merck Sharp & Dohme – MSD HH tại Việt Nam - công ty dược phẩm sinh học hàng đầu thế giới và TS. Mary-Ann Etiebet, đại diện cho quĩ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers). 
Dự án do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với số tiền 1,2 triệu USD  là một trong những sáng kiến ​​quan trọng nhất nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ vùng dân tộc thiểu số tại sáu tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên thông qua các can thiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng vào những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số, đây là những đối tượng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. 
UNFPA sẽ phối hợp thực hiện dự án với Bộ Y tế, Sở Y tế 6 tỉnh dự án và các tổ chức trong nước  trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/9/2024. Ngoài đóng góp tài chính từ MSD for Mothers và MSD Việt Nam, UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án với số tiền 810.000 USD, nâng tổng số tiền tài trợ lên 2.010.000 USD.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân trong vòng 20 năm qua, và là một trong 6 quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền. Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.
Trong số các ca tử vong mẹ tại khu vực Trung Du và Miền núi phía Bắc, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ rất cao, ví dụ như phụ nữ dân tộc Mông chiếm 60% và phụ nữ dân tộc Thái chiếm 17%. Tại khu vực này, tỷ số tử vong mẹ ở các bà mẹ là người dân tộc Mông cao gấp 7 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh.
Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Dự án cũng sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện có.
Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe  từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh rằng việc ký kết khởi động Dự án do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ là một bước tiến đánh dấu công tác hỗ trợ của UNFPA cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế khẳng định sự ủng hộ của Bộ Y tế đối với dự án. Ông cũng cho biết: “Cải thiện tình trạng sức khỏe của những đối tượng bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả người dân tộc thiểu số, là trọng tâm trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Những bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất rút ra từ sáng kiến này sẽ giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe”./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h