Giảm nghèo ở Phú Thọ và một số định hướng
(LĐXH) - Giai đoạn 2011-2015, với các chính sách và nguồn lực đồng bộ về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo, hộ nghèo, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,34% năm 2011 giảm xuống còn 7,8%, tương ứng 12,04 tiếp cận nghèo đa chiều (năm 2015); Riêng huyện nghèo Tân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo từ 42% (năm 2011) giảm xuống dưới 20%, tương ứng 30,53% (năm 2015).
Sức sống mới ở huyện nghèo 30a
Là một trong những huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số, với lệ hộ nghèo cao trên 50%, huyện Tân Sơn được Chính phủ đưa vào Chương trình 30a, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước. Đây là một trong những chương trình nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Nhờ đó, huyện Tân Sơn được nhận một số cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù đối với các huyện nghèo.
Có thể nói, Chương trình giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Tân Sơn nói riêng đã đạt được những kết quả cơ bản và toàn diện, tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, vùng nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo ổn định, trật tự an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Bá Khuyến - Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn - cho biết, tính đến hết năm 2016, ngoài nguồn vốn ngân sách được Trung ương hỗ trợ với gần 1,021 tỉ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện còn được sự giúp đỡ rất lớn từ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, các sở, ban ngành… Các đơn vị này đã hỗ trợ địa phương gần 77 tỉ đồng để giúp người dân thoát nghèo. Đồng thời, các doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ số tiền lên đến gần 4,7 tỉ đồng. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác đã và đang thực hiện trên địa bàn lên đến 544,5 tỉ đồng.
Thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù, huyện Tân Sơn đã hỗ trợ 1.333 hộ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng với tổng số tiền lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Hỗ trợ sản xuất trực tiếp số tiền hơn 2.000 tỉ đồng cho hộ nghèo. Bên ncahj đó, địa phương đã hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư cho 516 hộ với kinh phí hơn 3.000 tỉ đồng; đầu tư 44 công trình hạ tầng đáp ứng nhu cầu về điện, đường, trường, trạm cho người dân. Đến nay, đã có hơn 1.000 lao động được xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài. 7 trí thức trẻ được tăng cường về làm phó chủ tịch UBND tại các xã, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và ở huyện nghèo Tân Sơn nói riêng thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Phần lớn người nghèo còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đa số các hộ nghèo có trình độ học vấn thấp dẫn đến việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện hạn hẹp; khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá khó khăn. Việc lồng ghép các nguồn lực tuy đạt khá, nhưng vẫn còn phân tán; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên vẫn còn. Hiệu quả việc tổ chức tự quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư của cộng đồng chưa cao; Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định chưa nghiêm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ. Công tác giám sát, đánh giá, nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
Mặt khác, kết quả giảm nghèo của tỉnh còn chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại một số địa phương còn lúng túng, vẫn còn tình trạng nể nang trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo; việc quản lý số liệu hộ nghèo tại một số xã chưa thật chặt chẽ. Khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, nặng về đối phó với việc kiểm tra, giám sát của cấp trên, chưa sâu sát, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo và các giải pháp tác động hữu hiệu.
Theo ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, Phú Thọ cần tích hợp việc lồng ghép các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong công tác gỉam nghèo nhằm tránh tình trạng chồng chéo; Có chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo, nhất là đối với những hộ nghèo triền miên. Đối với nhóm hộ không có khả năng thoát nghèo cần có chính sách an sinh xã hội cụ thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo, giúp cải thiện sinh kế thoát nghèo bền vững; mở rộng chính sách hỗ trợ sinh kế đối với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; mở rộng chính sách giảm nghèo từ việc chỉ tập trung vào tăng thu nhập, sang việc tăng phúc lợi và tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội để giúp họ thoát nghèo bền vững; Chính sách ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, thị trường cho lao động nông thôn khu vực miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung chính sách cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với học sinh là người dân tộc và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và đặc thù, đạt mục tiêu đề ra. Để khắc phục tâm lý ỷ lại, cần giảm mạnh những hỗ trợ trực tiếp, cho không và chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi và nâng cao ý thức của người hưởng lợi. Tập trung ngân sách cho hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh để thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận dịch vụ xã hội để giúp họ thoát nghèo bền vững. Giảm hỗ trợ bình quân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, nhất là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư thỏa đáng cho việc truyền thông nâng cao nhận thức, lợi ích của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, trong chương trình giảm nghèo bền vững.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: