An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Giảm nghèo bền vững từ mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ quản trị rừng
04:01 PM 20/09/2018
(LĐXH) Dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam (PFG )” do Bộ Ngoại Giao Phần Lan và ActionAid Việt Nam hỗ trợ vốn và triển khai thực hiện từ 11/2014 –10/2018 đã tạo ra một không gian mở và tương tác cho người dân cấp cơ sở, giúp họ có cơ hội tham gia vào hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp quốc gia, qua đó cải thiện công tác quản trị rừng và góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo ở các vùng địa bàn khó khăn.
Mô hình sinh kế dựa vào rừng kết nối 3 nhà
Là 1 trong 3 địa phương trên toàn quốc triển khai thực hiện dự án PFG, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng với 5 xã trên địa bàn bao gồm Cần Yên, Lương Thông, Đa Thông, Lương Can và Bình Lãng đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu mở ra một mô hình sinh kế mới dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các vùng địa bàn miền núi khó khăn vùng sâu vùng xa, góp phần đưa ứng dụng công nghệ về với người nghèo để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Mô hình sinh kế trồng cây xen lẫn trồng rừng.
Ông Nông Văn Đông, Phó Ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông (Cao Bằng) cho biết, dự án được triển khai trên địa bàn 5 xã tại huyện Thông Nông bắt đầu từ năm 2017 với tổng diện tích dự kiến là 30 ha với hai loại mô hình: trồng rừng trên đất cộng đồng do xã quản lý và trồng rừng trên đất hộ gia đình với 4 loài cây: keo tai tượng, thông mã vỹ, sa mộc, lát hoa. Mô hình được triển khai ở địa hình đồi núi đất và đồi núi đá lẫn đất. Tính đến nay, đã có 610 hộ tham gia vào các mô hình sinh kế dựa vào rừng, tương đương khoảng 3.110 người hưởng lợi trực tiếp từ cánh rừng trồng trong mô hình. 
Bên cạnh đó, mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững dựa vào rừng đã được triển khai từ đầu năm 2018 với việc hỗ trợ 5,75ha gừng hữu cơ cho 59 hộ tại các xã Cần Yên, Lương Thông, Lương Can và Đa Thông. Trong đó có 0,5ha trồng gừng hữu cơ xen dưới tán rừng và 5,25ha trồng gừng trên đất bồn địa. “Đây là lần đầu tiên huyện Thông Nông thực hiện mô hình trồng gừng hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hoạt động này được lãnh đạo huyện quan tâm, và quyết tâm thực hiện thành công để nhân rộng mô hình ở địa phương, hướng đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Đông chia sẻ.
Lớp Tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập FORMIS cho các hộ dân.
Cụ thể, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, trưởng ban quản lý dự án của chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông cho biết đối với sản phẩm gừng, huyện cùng phối hợp với dự án ký hợp đồng cam kết với Công ty Bao bì Vĩnh Phúc thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. “Các sản phẩm hàng hóa chúng tôi đều có hợp đồng với các doanh nghiệp đều tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn về gỗ và rừng chưa có DN bao tiêu, tuy nhiên hiện nay tỉnh Cao Bằng cũng đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ và Thông Nông cũng là vùng nguyên liệu nên việc đầu ra chắc chắn được đảm bảo”, ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo vị Phó chủ tịch huyện, việc liên kết chặt chẽ với DN và địa phương đã góp phần kết nối với trực tiếp các hộ trồng với cộng đồng và với các DN, qua đó có cơ hội được thảo luận, nắm bắt được điểm mạnh tiềm năng vốn có của địa phương và yêu cầu của doanh nghiệp, chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp đảm bảo các bên cùng có lợi, từ đó mang lại lợi nhuận và lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đột phá ứng dụng công nghệ vào quản trị rừng
Một trong những điểm rất đáng chú ý của dự án PFG triển khai tại huyện Thông Nông là hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng thành công các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng kết hợp với dự án FORMIS (Phát triển Hệ thống Thông tin Quản lý ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam) nhằm đảm bảo việc quản trị rừng có tính giải trình cao.
Với tư duy đột phá ứng dụng công nghệ thông tin và đưa người dân trực tiếp tiếp cận với công nghệ, dự án đã thành lập kiot thông tin tại 5 xã dự án. Trong đó mỗi kiot thông tin được trang bị máy tính kết nối mạng miễn phí, máy in, và thư viện sách, do UBND các xã dự án quản lý. Mỗi cán bộ xã được chỉ định làm người phụ trách, hướng dẫn cho nhóm nòng cốt và cộng đồng sử dụng 1 kiot thông tin. Hàng tháng Nhóm nòng cốt có ít nhất 1 buổi họp nhóm, luyện tập kỹ năng máy tính và khai thác thông tin tại kiot thông tin để hỗ trợ người dân tra cứu thông tin.
Để người dân trực tiếp được tiếp cận sử dụng công nghệ vào việc quản lý rừng được giao, anh Nguyễn Trung Thành cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm (Cao Bằng)  cho biết dự án thực hiện hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân, đồng thời hướng dẫn tập huấn cách cài đặt phần mềm và ứng dụng công nghệ để tra cứu thông tin về diện tích và vị trí rừng được giao trong quản lý mô hình sinh kế. Tuy được người dân hết sức hồ hởi đón nhận song không phải không có những khó khăn bước đầu.
”Đối với người dân còn nhiều khó khăn vì mặt bằng tri thức còn thấp, bên cạnh đó hệ thống mạng, hạ tầng, thiết bị đầu cuối còn thiếu và chưa tương thích. Tuy nhiên, nhờ người dân có sự chuẩn bị nên tiếp thu khá nhanh, chúng tôi thiết kế mỗi một đợt tập huấn từ 2-3 ngày, hướng dẫn trực tiếp cách cài đặt phầm mềm và ứng dụng tra cứu. Bà con cũng tiếp thu cơ bản và đến giờ đã sử dụng được phần mềm để quản lý mô hình sinh kế của gia đình”, anh Thành chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào mô hình sinh kế quản trị rừng, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông cho rằng qua 3 năm thực hiện dự án, nhận thức của người dân về sinh kế từ rừng đã được cải thiện, tạo ra những tác động rất tích cực cho công tác quản lý rừng và thực  hiện các sinh kế từ rừng để triển khai các mô hình tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương. ”Trên cở sở thành công của hai mô hình sinh kế PFG tại 5 xã huyện Thông Nông, địa phương sẽ tiếp tục nhận rộng để áp dụng. Trong đó chúng tôi đang xây dựng một đề án để phát triển cây hàng hóa gắn với dược liệu, gắn với những cây trồng ở rừng và dưới tán rừng để có thêm những sản phẩm hàng hóa, góp phần với các hàng hóa hiện nay của huyện như cây thuốc lá, cây ngô, lạc gia tăng được giá trị sản phẩm hàng hóa trong huyện, giúp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương”, vị lãnh đạo chia sẻ.
PV
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh