Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và bền vững
05:40 PM 12/09/2024
(LĐXH) - Sáng 12/9, Báo Người Lao Động phối hợp với Việc Làm Tốt và các đơn vị đồng hành tổ chức Tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" nhằm hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững, hội nhập và cung cấp những thông tin hữu ích từ các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng và việc làm.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết thị trường lao động Việt Nam dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Cùng với đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động.

Tọa đàm nhằm hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập, đồng thời cung cấp những thông tin hứu ích, những đề xuất đột phá, những bài học tâm huyết từ các doanh nghiệp.

Đơn hàng nhiều nhưng tuyển không đủ lao động

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt chia sẻ thông tin thị trường lao động

Theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề Tài xế và Kho vận; Công nhân; Xây dựng và Bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.

Theo khảo sát của Việc Làm Tốt, 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% doanh nghiệp trong số đó đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc phát biểu

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Dù công ty đảm bảo thu nhập, tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trong đó 25% thu nhập đến từ tăng ca. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không quan trọng độ tuổi, độ tuổi trung bình tại doanh nghiệp hiện nay là 40 tuổi. “Doanh nghiệp cũng có chính sách trong tuyển dụng như thưởng cho người giới thiệu nhân sự, mời công nhân cũ trở lại làm việc… song vẫn không đủ”, ông Sơn chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp đang sử dụng đông lao động phổ thông, bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho biết thời gian dịch Covid -19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số lao động. Nay kinh tế phục hồi, công ty đã có đơn hàng trở lại nên cần tuyển dụng thêm 2.000 lao động, đã tuyển được 1.000 người và hiện cần thêm 1.000 lao động.

Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác với các đơn vị chuyên cung cấp nguồn nhân lực, doanh nghiệp còn đang áp dụng hình thức: nhờ công nhân và những địa phương có người lao động đang làm việc tại công ty giới thiệu nhân sự mới cho doanh nghiệp, với kênh tuyển dụng này cho thấy khá hiệu quả.

Tạo ra nhiều giá trị hơn cho người lao động

Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNNH Công nghệ Vua Thợ phát biểu

Chia sẻ thực trạng và khó khăn đã từng gặp phải trong việc tuyển dụng nhân sự và kinh nghiệm thực chiến để giữ chân người lao động, bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS, cho biết đặc thù tại đơn vị thuộc ngành dịch vụ nên khi tuyển dụng chủ yếu là lao động trẻ, chưa qua đào tạo. 

Để tuyển dụng nhân sự, công ty phải tiếp cận các kênh tuyển dụng như tuyển dụng truyền thống như báo giấy, các trang tuyển dụng trực tuyến, thông qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, từ nguồn giới thiệu của chính nhân viên trong công ty (với nhòm này công ty sẽ có thưởng cho người giới thiệu).

Nhân sự mới tuyển dụng, sẽ được công ty đào tạo ngay từ đầu, nhiều vị trí phải bỏ rất nhiều công sức đào tạo song tỉ lệ nhảy việc rất cao, đây là một khó khăn. Do vậy, để giữ chân ngoài tiền lương, điều doanh nghiệp hướng tới là tạo ra nhiều giá trị dài lâu hơn cho người lao động.

Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNNH Công nghệ Vua Thợ, cho rằng làm sao xây dựng môi trường lao động linh hoạt, vì giới trẻ hiện nay thích tự do, dành thời gian cho bản thân. Tư duy của gen Z đang rất khác tư duy tuyển dụng của gen X. Người trẻ thích trải nghiệm, tìm nơi làm việc thích hợp nhất. Vì thế, Vua Thợ góp phần xây dựng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) rất minh bạch: làm việc ở đâu, kiếm bao nhiêu tiền, đánh giá mức độ hài lòng của khách… Điều này giúp người thợ không chỉ nâng cao kỹ năng tay nghề, thái độ đối với ngành nghề”, bà Hoa chia sẻ.

Còn theo ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng Thu hút nhân tài Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, chiến lược tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển nhân lực từ bên trong.

Đối với lao động gián tiếp công ty ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo họ để trở thành những nhân viên chuyên nghiệp. Còn lao động trực tiếp được công ty tuyển dụng từ những người chưa có kinh nghiệm và cũng được huấn luyện bởi đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm của công ty.

“Với triết lý "lấy đào tạo làm lợi thế", chúng tôi luôn tạo cơ hội cho nhân viên phát triển thông qua các chương trình đào tạo, giúp họ nâng cao tay nghề và kỹ năng. Cùng với đó, công ty còn đảm bảo mức lương cao hơn quy định của Nhà nước và các khoản phụ cấp như nhà trọ, năng suất, chất lượng, và chuyên cần…”, ông Đức nói.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM phát biểu 

Phát biểu tại tọa đoàn, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM cho biết, thị trường lao động là một trong 3 đầu vào của nền kinh tế, tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Sau hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình lao động việc làm, thị trường lao động tại Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo ông Thắng, hiện cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, đây chính là một lợi thế. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động hiện nay là 68,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động.

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là tỉ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao.

Vì sao lại có điều này? Một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng… Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển địa lý, từ các thành phố lớn về các địa phương.

Với cùng một mức lương, người lao động có xu hướng chọn về các địa phương có mức sống thấp hơn. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động cũng đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để tận dụng nguồn lao động.

Ông Thắng cho rằng, để đạt hiệu quả tuyển dụng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động để có được lực lượng lao động có tay nghề.

“Cuối cùng, tôi cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm vô cùng có ý nghĩa ngày hôm nay. Tôi sẽ ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, từ những góp ý rất thiết thực của các đại biểu ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp, có ý kiến với các cơ quan có liên quan để góp phần xây dựng luật”, ông Thắng nói.

Tại tọa đàm, ban tổ chức còn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các doanh nghiệp và các chuyên gia về những vấn đề của thị trường tuyển dụng nay và các giải pháp giúp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Qua đó, góp phần để các cơ quan quản lý nhà nước tìm ra những giải pháp khả thi giúp người lao động và doanh nghiệp tìm thấy nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả.

 

Trương Đăng

TAG: Giải pháp phát triển thị trường lao động Xu hướng tuyển dụng lao động
Tin khác
Hải Phòng hiện thực hóa Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách
Quận Ngô Quyền: Trên 2.400 hộ thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lấy công tác huấn luyện đào tạo làm trọng tâm
Ngày lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Mở rộng hợp tác lao động Việt - Nhật
Yên Bái: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
    Kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu
Vinamilk chiêu mộ hơn 100 nhân viên kinh doanh toàn quốc
Hỗ trợ việc làm, ổn định sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững ở Tây Ninh
Tiền Giang: Đẩy mạnh công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm thuộc Dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững”